Ông Donald Trump gửi đơn lên Tòa án Tối cao nhằm “cứu” TikTok (Ảnh: Reuters). |
Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã can thiệp vào cuộc chiến đầy kịch tính về số phận của TikTok tại Mỹ, khi ông kêu gọi Tòa án Tối cao tạm hoãn đạo luật có thể cấm nền tảng mạng xã hội này nếu không được bán cho một công ty khác ngoài công ty mẹ Trung Quốc.
Ông Donald Trump cho rằng Tòa án nên cho ông thêm thời gian sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 để “tìm kiếm một giải pháp thương lượng” cho tranh chấp này. Ông Donald Trump không khẳng định rõ ràng quan điểm về tính hợp hiến của đạo luật dự kiến có hiệu lực vào ngày 19/1, mặc dù ông Donald Trump cho rằng nó gây ra những vấn đề “bao quát và đáng lo ngại” về quyền tự do ngôn luận.
Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng nói với các thẩm phán rằng chỉ có ông mới “sở hữu kỹ năng đàm phán hoàn hảo, sự ủy nhiệm từ cử tri, và ý chí chính trị để đạt được một thỏa thuận nhằm cứu nền tảng này, trong khi vẫn giải quyết các lo ngại an ninh quốc gia do chính phủ nêu ra”.
Tuy nhiên, ông Donald Trump không cung cấp chi tiết về loại thỏa thuận mà ông mong muốn hoặc thời gian trì hoãn cần thiết.
Theo đó, tòa án đang xét xử vụ kiện theo một lịch trình tương đối gấp rút, với các phiên tranh luận được lên lịch vào ngày 10/1 – chỉ hơn một tuần trước khi đạo luật có hiệu lực. Vụ việc đặt quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án Thứ nhất của công ty và người dùng đối lập với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Donald Trump cho rằng việc hoãn luật sẽ cung cấp thêm “khoảng thời gian cần thiết để Tòa án xem xét các vấn đề theo một lịch trình được cân nhắc kỹ lưỡng hơn”.
Đơn của ông được nộp sau khi TikTok và chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra các lập luận bằng văn bản vào thứ Sáu (27/12) vừa qua. Bộ Tư pháp dưới thời ông Biden cho rằng quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với TikTok đặt ra “những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”. Nền tảng này “thu thập dữ liệu nhạy cảm của hàng chục triệu người Mỹ và có thể trở thành công cụ tiềm năng cho các chiến dịch tác động ngầm của một đối thủ nước ngoài”, theo lập luận của bà Elizabeth Prelogar, luật sư hàng đầu của chính quyền tại Tòa án Tối cao.
Trong khi đó, TikTok nói với các thẩm phán rằng Quốc hội đã không xem xét các giải pháp thay thế trước khi ban hành lệnh cấm. “Lịch sử và tiền lệ cho thấy, ngay cả khi an ninh quốc gia bị đe dọa, lệnh cấm ngôn luận phải là biện pháp cuối cùng của Quốc hội”, công ty này lập luận.
Ông Donald Trump từng ủng hộ lệnh cấm TikTok, nhưng gần đây đã có thái độ thiện cảm hơn đối với nền tảng này. Ông nói rằng mình có “thiện cảm” với TikTok vì nền tảng này đã giúp thu hút cử tri trẻ tuổi ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Ông cũng đã gặp CEO của TikTok, ông Shou Chew, tại câu lạc bộ Mar-a-Lago.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng tuyên bố sẵn sàng cho phép TikTok được bán cho một công ty Mỹ – nhưng kỳ vọng chính phủ liên bang sẽ nhận được một phần trong tổng giá trị thương vụ để đổi lấy việc hỗ trợ thực hiện thỏa thuận.
Đơn của Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Sáu cho thấy sự đồng cảm với các lập luận về quyền tự do ngôn luận của công ty và người dùng TikTok.
Đạo luật này “có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trên toàn cầu bằng cách thực thi quyền lực đặc biệt để đóng cửa một nền tảng mạng xã hội chỉ vì các lo ngại về ngôn luận không được ưa chuộng trên nền tảng đó”, ông Trump nói trong đơn đệ trình lên Tòa án Tối cao.
Một tòa án phúc thẩm liên bang tại Washington đã thông qua đạo luật trong tháng này, cho rằng Quốc hội và Tổng thống có quyền hạn tuyệt đối khi đưa ra các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia. Ngược lại, đạo luật này cũng đang bị thách thức bởi một nhóm nhà sáng tạo nội dung.