Nông nghiệp là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm

22:14 10/09/2023

Nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 8 tháng đầu năm, nông nghiệp là điểm sáng và bệ đỡ vững chắc trong bối cảnh khó khăn.

Nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng và ổn định trong nền kinh tế, đồng thời là điểm sáng và bệ đỡ vững chắc trong bối cảnh khó khăn. Điều này là nhận định được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 diễn ra chiều ngày 9/9 tại Hà Nội.

Thông tin từ cuộc họp báo cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 8 tháng đầu năm đạt 33,21 tỷ đô la Mỹ, và có tỷ lệ xuất siêu là 6,72 tỷ đô la.

Trước đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Nguyễn Như Cường cũng cho rằng, rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới và có thể đạt kim ngạch 10 tỷ USD/năm trong tương lai.

Nông nghiệp là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm
Nông nghiệp là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm.

“Trước xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá, diện tích trồng trọt sẽ giảm và có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả, nhưng trong tương lai, nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, cộng với sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước cho khâu chế biến thì vẫn có thể tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu”, ông Cường nói.

Khu vực công nghiệp đang tiếp tục phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng gần 3% so với tháng 7 và tăng gần 3% so với cùng kỳ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 8 đạt 50,5 điểm, cho thấy lĩnh vực sản xuất đang mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.

Trong thị trường nội địa, báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đang được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát đang giảm dần, với chỉ số CPI bình quân trong 8 tháng tăng 3,1%, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%). Điều này tạo ra không gian cho các chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 8/2023, có hơn 14.000 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 2,3% về số lượng doanh nghiệp và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7. Tổng cộng trong 8 tháng, đã có 149.400 doanh nghiệp gia nhập thị trường, vượt cao hơn số doanh nghiệp rút lui, là 124.700 doanh nghiệp.

Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ đô la, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI thực hiện đạt 13,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

P.V (t/h)