Trên cơ sở nhìn nhận mặt tích cực và đánh giá những hạn chế của thị trường vốn và bất động sản, đã có nhiều ý kiến sâu sắc xoay quanh các giải pháp để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động và phân bổ vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; Các đề xuất cụ thể giúp khơi thông nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản, giúp lĩnh vực bất động sản giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; Tọa đàm về thời điểm và lộ trình xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của Thành phố.
Đối với thị trường vốn, Ban Kinh tế Trung ương nêu 5 kiến nghị đáng lưu ý:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường vốn bao gồm cả thị trường ngân hàng, theo hướng tăng cường minh bạch, phát triển ổn định và bền vững tạo điều kiện đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số trên thị trường vốn và ngân hàng; nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường;
Hai là, đẩy mạnh vai trò nhà nước trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hướng đầu tư tư nhân vào các mục tiêu phát triển phục hồi kinh tế, phát triển xanh... đáp ứng các cam kết về giảm phát thải;
Ba là, tích cực triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong đó chú trọng các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm thông qua thúc đẩy cổ phần hóa và tăng cường tính minh bạch trong quản lý, quản trị doanh nghiệp;
Bốn là, tích cực triển khai lộ trình xây dựng và phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, hình thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế;
Năm là, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tăng cường kênh dẫn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại trong đó xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho ngân hàng, tạo môi trường thử nghiệm có điều kiện Sanbox; Xây dựng Trung tâm Quản lý và khai thác dữ liệu tập trung của hệ thống Ngân hàng; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực số phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Đối với thị trường bất động sản, Ban Kinh tế đưa ra những lưu ý sau:
Một là, cần đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy tính minh bạch trên thị trường bất động sản. Loại bỏ những quy định mâu thuẫn chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bất động sản như đất đai, xây dựng, nhà ở…; Tạo điều kiện và đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai công bằng giữa các nhà phát triển bất động sản; Phát huy vai trò của “Trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh”, nhất là ở các thành phố lớn, tập trung đông dân cư thành một công cụ điều tiết hữu hiệu theo cơ chế thị trường.
Hai là, nguồn vốn cho thị trường bất động sản cần đa dạng hóa thông qua các kênh như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng góp vốn, cân nhắc mở rộng các hình thức mới như phát triển quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác, quỹ hưu trí, hoạt động M&A…
Ba là, có cơ chế chính sách điều tiết đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về nhà ở của người dân như chương trình phát triển nhà ở xã hội; Hỗ trợ xây dựng nhà ở giá rẻ; Có chính sách hỗ trợ người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận cơ hội sở hữu nhà ở.
Bốn là, đẩy mạnh quá trình hình thành và từng bước hiện đại hóa, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đến từng thửa đất; Xây dựng hệ thống thông tin đăng ký đất đai đầy đủ, khoa học, đảm bảo công khai, minh bạch và dễ dàng tiếp cận đối với mọi đối tượng.
PV