Những cổ phiếu 'ngược dòng' niêm yết giờ ra sao?

00:00 12/10/2020

Kể từ đầu năm đến nay, không ít cổ phiếu đã "ngược dòng" chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM từ HNX hoặc HoSE. Đây được xem là "bước thụt lùi" bởi chủ yếu thuộc diện huỷ niêm yết bắt buộc, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Những sai lầm trong quá khứ đã khiến "vua cá tra" Dương Ngọc Minh tiếp tục phải trả giá khi cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương đã bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HoSE từ ngày 5/8 vừa qua. Nguyên nhân là do Hùng Vương đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết huỷ niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư.

Hồi giữa tháng 5, HoSE đã đưa cổ phiếu HVG vào diện tạm ngừng giao dịch do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

"Thoi thóp" giao dịch

Bị huỷ niêm yết trên HoSE nhưng HVG vẫn được quay trở lại giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, Sở GDCK Hà Nội (HNX) lại vừa thông báo về việc hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM đối với cổ phiếu HVG.

Theo đó, hơn 227 triệu cổ phiếu HVG, tương đương với tổng giá trị hơn 2.270 tỷ đồng đã được chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 13/8 với giá tham chiếu khởi điểm là 5.400 đồng/cp nhưng chỉ được giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần.

Lý do được HNX đưa ra là HVG có chứng khoán bị huỷ bỏ niêm yết và vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Sau khi Hùng Vương khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch HNX sẽ cho phép cổ phiếu HVG được giao dịch trở lại bình thường.

Tương tự, hồi tháng 5/2020, 8 triệu cổ phiếu DID của CTCP DIC Đồng Tiến bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HNX từ 27/5/2020. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào ngày 26/5/2020.

co-phieu-UPCoM-4722-1597592766.jpg

Sàn UPCoM thường bị coi là "sân chơi hạng 2" nơi chủ yếu quy tụ các cổ phiếu với chất lượng không cao.

Nguyên nhân bị huỷ niêm yết do DIC Đồng Tiến có ROE sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ phải trả lớn hơn 5% và phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp trước phát hành, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Đầu tháng 6, DID được phép giao dịch trên UPCoM với giá khởi điểm 5.000 đồng/cp, nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng không có giao dịch. Hiện, DID đang giao dịch tại mức giá 3.900 đồng/cp, giảm 22% so với cách đây hơn 2 tháng, khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt 130 đơn vị.

Cùng thời điểm với cổ phiếu DID, toàn bộ 25 triệu cổ phiếu PVE của Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí - CTCP cũng bị huỷ niêm yết trên HNX do đã chậm nột BCTC trong 3 năm liên tiếp. Đầu tháng 6, PVE quay trở lại giao dịch trên UPCoM nhưng đến thời điểm hiện tại, thị giá của cổ phiếu này đã giảm 1 nửa còn 1.300 đồng/cp và chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác như MEC của CTCP Cơ khí lắp máy Sông Đà, cổ phiếu SPP của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn, cổ phiếu KSK của CTCP Khoáng sản luyện kim màu...cũng bị huỷ niêm yết do lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ và chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp.

Vận đen đeo bám

Nếu cổ phiếu từ UPCoM muốn chuyển giao dịch lên HNX hay HoSE, hoặc từ HNX lên HoSE luôn đi kèm những tiêu chuẩn, điều kiện nâng cao khắt khe hơn thì việc chuyển từ 2 sàn giao dịch chính thức lại được xem là "bước thụt lùi". Hầu hết các doanh nghiệp thuộc diện huỷ niêm yết bắt buộc và đang giao dịch trên UPCoM đều có mức giá thấp hơn cả một cốc trà đá.

Thực tế, sàn UPCoM thường bị coi là "sân chơi hạng 2" nơi chủ yếu quy tụ các cổ phiếu với chất lượng không cao. Thanh khoản UPCoM cũng rất èo uột và quy mô thị trường này khá nhỏ so với 2 sàn niêm yết chính thức.

Việc cho phép các doanh nghiệp huỷ niêm yết bắt buộc được giao dịch trên UPCoM là giúp cho cổ phiếu duy trì được thanh khoản, đảm bảo được quyền lợi của cổ đông nhưng về bản chất các doanh nghiệp này đều đã "rỗng" tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Lấy ví dụ trường hợp cổ phiếu HVG của "vua cá tra" Hùng Vương, khoảng thời gian từ 2008-2014 có thể nói là giai đoạn tăng tốc của doanh nghiệp này khi doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng, cổ phiếu đạt đỉnh 22.012 đồng/cp.

Tuy nhiên, kể từ năm 2015 đến nay công ty liên tục rơi vào tình cản khó khăn, Hùng Vương từ đỉnh vinh quang trượt dài trong nợ nần và phải ôm khoản lỗ luỹ kế hơn 1.400 tỷ đồng, tính đến 30/9/2019.

Suốt một thời gian dài vừa qua, cổ phiếu HVG của công ty chỉ dao động dưới ngưỡng 4.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng với việc doanh thu và lợi nhuận lao dốc, một trong những vấn đề khác của Hùng Vương chính là việc dùng đòn bẩy tài chính cao trong điều kiện không thích hợp lúc tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi, khiến doanh nghiệp phải gánh những khoản nợ khổng lồ.

Đỉnh điểm vào năm 2016, nợ phải trả của Hùng Vương ghi nhận hơn 13.300 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm đó. Còn tính thời điểm năm 2019 con số nợ của Hùng Vương cũng hơn 7.000 tỷ đồng.

Xét về thanh khoản, những cổ phiếu “trà đá” đang giao dịch trên UPCoM thi thoảng vẫn có những phiên khớp lệnh lên tới vài trăm ngàn đơn vị. Tuy nhiên, việc đưa những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu kém khó có khả năng cải thiện, thậm chí ngấp nghé dừng hoạt động, giải thể… lên sàn UPCoM chẳng khác gì chất thêm “rác”.

Linh Đan