Nhìn lại năm 2020: Liệu chúng ta sẽ đi về đâu

14:10 07/12/2020

Thời điểm cuối năm chính là lúc chúng ta nhìn lại những gì mình đã làm được trong 12 tháng vừa qua. Nhìn lại năm 2020, gần như những gì đọng lại là quá nhiều biến cố, từ sức khỏe con người đến nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tước đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người, và gây ra hơn 66 triệu ca mắc bệnh.

Ảnh minh họa của Tạp chí Time

Ảnh minh họa của Tạp chí Time.

Bài viết được lược dịch từ ý kiến của Stephanie Zacharek - nhà phê bình phim của Tạp chí Time tại thành phố New York thực hiện, và nó cho thấy lý do vì sao 2020 lại là một năm đáng sợ mà chúng ta không muốn nhìn lại.

Với nước Mỹ, đã từng có những giai đoạn hết sức tồi tệ, thậm chí có thể coi là kinh khủng nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng đa số chúng ta - những người đang sống ở thời nay chắc chắn chưa bao giờ chứng kiến thứ gì tương tự. Bạn sẽ phải sống trên 100 năm mới có thể biết đến Thế chiến I kinh khủng như thế nào, hay đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đáng sợ ra sao. Bạn cũng phải thọ đến 90 tuổi mới biết nền kinh tế Mỹ từng cực kỳ thảm hại dưới thời kỳ Đại suy thoái. Và nếu có chút ký ức nào về sự kinh hoàng mà Thế chiến II từng gieo rắc, bạn cũng phải trên 80 tuổi.

Công việc của tôi vốn là một nhà phê bình phim và tìm ra mối liên hệ của chúng với thế giới rộng lớn của chúng ta. Với tôi, năm 2020 là một bộ phim hỗn loạn, và có lẽ bạn sẽ tắt nó đi chỉ sau 20 phút. Năm nay hoàn toàn không quá ghê rợn như ngày tận thế. Nhưng nó mang đến những đau đớn từ cuộc sống, từ việc dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới.

Mối đe dọa lớn nhất với chúng ta trong năm nay là cảm giác bất lực, và nó lan tỏa một cách không kiểm soát. Người Mỹ vốn rất tin tưởng vào việc họ có thể vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Nhưng không phải vậy. Chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề không thể nói ra, để rồi nhận được sự trấn an rằng mọi chuyện chẳng có gì to tát. Virus sẽ biến mất một cách kỳ diệu. Nước Mỹ sẽ lại tuyệt vời, nếu mọi người quay trở lại làm việc. Và dù khẩu trang là một lựa chọn, thì việc đeo một chiếc lại khiến bạn trông thật ngớ ngẩn. 

Ảnh minh họa Tạp chí Time
Ảnh minh họa Tạp chí Time.

Covid-19 xuất hiện, nó tạo ra sự kết hợp hết sức đáng sợ giữa cảm giác bất lực và đối tác tuyệt vời nhất của nó: sự cô độc. Tháng 3/2020, khi nhiều tiểu bang Mỹ phải phong tỏa để ngăn virus lây lan, nhiều người chuyển sang làm việc tại nhà. Nhưng có một số đông không thể đáp ứng điều đó. Họ mất việc, không có thu nhập để trả tiền thuê nhà, hay đơn giản chỉ là mua đồ ăn thôi. Nạn đói bỗng trở thành một chủ đề của năm 2020, tạo ra một thách thức đáng sợ ngay cả ở những nước đủ khả năng chống lại nó. 

Cùng lúc đó, các nhân viên ngành thiết yếu - từ cửa hàng thực phẩm, giao thông công cộng cho đến y bác sĩ... tất cả vẫn phải làm việc. Chúng ta sẽ thấy những đoạn clip về các nhân viên chăm sóc sức khỏe trên bản tin, khuôn mặt của họ in hằn những vết đeo đồ bảo hộ nhưng không giấu được đôi mắt mệt mỏi. Đôi khi họ không thể kìm được nước mắt bởi họ chứng kiến ​​bệnh nhân ra đi khi không còn giữ được mạng sống. 

Chúng ta đã học được rất nhiều thứ vào năm 2020, nhưng khoan, chính xác là học được điều gì? Đó là, chúng ta biết điều gì là quan trọng. Giãn cách xã hội và "lệnh ở nhà" đã giúp chúng ta trò chuyện và lắng nghe nhiều hơn. Nhưng chừng đó liệu có phản ánh đúng không? Khi bị yêu cầu phải ở trong nhà, chúng ta thèm được đi bộ dưới ánh nắng. Rồi khi có thể gặp bạn bè sau thời gian buộc phải giãn cách, nó mang đến cảm giác thoải mái vô cùng mà những tháng ngày trước đó chúng ta đã không trân trọng.  

Virus đã tác động mạnh nhất vào nhóm yếu thế và dễ tổn thương trong xã hội. Các lệnh hạn chế đã khiến chúng ta mỏi mệt, nhưng cần phải gạt đi mà tiếp tục cảnh giác. Khi Covid-19 tại Mỹ khiến số người chết đạt đến con số 200.000, đó là một mức độ chẳng ai tưởng tượng được. Giờ thì nó hướng đến 300.000, dù một số loại vaccine tiềm năng đã mang lại một chút hy vọng. Vào lúc này, người thân, bạn bè, và cả những người ta chưa từng gặp đang chết dần. Virus tấn công tất cả, chẳng chừa một ai.

Trong khi đó, bản thân Tổng thống của chúng ta cũng mắc phải vi-rút và chỉ vài ngày sau khi được tiêm steroid và các phương pháp điều trị thử nghiệm, đã xuất hiện trước công chúng. Điều này khiến chúng ta càng hoài nghi về khả năng lây lan quá mức tưởng tượng, đến Tổng thống còn phát bệnh thì chúng ta cũng sẽ vậy. 

Người Mỹ vốn dĩ rất lạc quan. Đó là lý do tại sao các đồng minh của chúng ta tôn trọng nước MỹSự lạc quan của chúng tôi là sức mạnh lớn nhất. Ở Mỹ không phải lúc nào trời cũng sáng. Đôi khi chúng ta phải vượt qua những ngày tháng đen tối nhất.

Bảo Bảo (Theo Time)