Nhiều doanh nghiệp lấy lý do “trí tuệ nhân tạo” để cắt giảm việc làm hàng loạt

06:54 07/07/2023

Ngày càng nhiều công ty công nghệ dẫn lý do "trí tuệ nhân tạo" để cắt giảm việc làm. Làn sóng sa thải bắt đầu từ chính ngành công nghiệp đã phát triển AI.

Theo CNN, nhiều người từng lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo thay thế người lao động trong những năm tới. Nhưng điều đó đã xảy ra ở chính ngành công nghiệp đã tạo ra nó: Công nghệ.

Một số công ty công nghệ bắt đầu coi AI là lý do sa thải nhân viên và trì hoãn tuyển dụng trong những tháng gần đây. Thung lũng Silicon đang chạy đua để thích ứng với những tiến bộ thần tốc của công nghệ do chính họ phát triển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tháng trước, công ty công nghệ giáo dục Chegg cho biết, đang cắt giảm 4% lực lượng lao động nhằm "chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai chiến lược AI và tạo ra giá trị lâu dài, bền vững cho sinh viên và nhà đầu tư".

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 5, CEO Arvind Krishna của IBM tiết lộ, công ty sẽ tạm dừng tuyển dụng những vị trí mà họ tin rằng sẽ bị AI thay thế trong những năm tới.

Cuối tháng 4, Dropbox cho biết, đang cắt giảm khoảng 16% lực lượng lao động, tương đương 500 người, và cũng dẫn lý do là AI.

Công ty nghiên cứu Challenger, Grey & Christmas cho biết, 3.900 người đã bị sa thải trong tháng 5 vì AI, tất cả đều diễn ra ở lĩnh vực công nghệ.

Như vậy, Thung lũng Silicon không chỉ dẫn đầu trong việc phát triển AI, mà còn phác thảo bức tranh của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp với những công cụ mới.

Các kỹ năng của người lao động sẽ không trở nên lỗi thời chỉ sau một đêm. Nhưng loạt công cụ AI mới có thể buộc doanh nghiệp phải phân bổ lại nguồn lực để tận dụng công nghệ mới một cách hiệu quả hơn, và ưu tiên những lao động có chuyên môn về AI.

Nói với CNN, ông Dan Wang - Giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, cho rằng, AI “sẽ khiến các tổ chức phải tái cơ cấu”. Nhưng những công cụ này không thể thay thế con người.

"Theo tôi, AI không nhất thiết phải thay thế con người, mà sẽ hỗ trợ công việc của con người. Do đó, các chuyên gia con người sẽ bị thay thế bởi những chuyên gia con người có thể tận dụng công cụ AI hiệu quả", ông nhận định.

Các đợt sa thải diễn ra trong bối cảnh làn sóng cắt giảm việc làm đã nhấn chìm Thung lũng Silicon thời gian qua. Nhiều công ty công nghệ thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh môi trường kinh tế bất ổn và nhu cầu sụt giảm sau đại dịch.

Theo dữ liệu từ Layoffs.fyi, khoảng 212.294 nhân viên trong ngành công nghệ đã bị sa thải kể từ đầu năm. Hồi năm ngoái, con số này là 164.709 người.

Nhưng các công cụ AI mới cũng là bước ngoặt đối với ngành công nghệ.

Vào tháng 1, chỉ vài ngày sau khi công bố kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên, Microsoft xác nhận đang đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI - công ty đứng sau AI chatbot ChatGPT.

Vào tháng 3, trong cùng một bức thư gửi nhân viên, Mark Zuckerberg, CEO Meta Platforms - công ty mẹ Facebook vừa thông báo về kế hoạch sa thải thêm 10.000 nhân viên sau khi cắt giảm 11.000 việc làm vào cuối năm ngoái, vừa vạch ra kế hoạch đầu tư mạnh vào AI.

Ngay cả các kỹ sư phần mềm ở Thung lũng Silicon cũng đang hoang mang. Họ có thể bị sa thải hoặc mất cơ hội thăng tiến vào tay những người có chuyên môn về AI hơn.

Ông Roger Lee là người đứng sau trang web Layoffs.fyi và Comprehensive.io - chuyên theo dõi các vị trí trống và lương thưởng tại khoảng 3.000 công ty công nghệ. Nói với CNN, ông cho biết, dữ liệu chỉ ra mức lương trung bình cho một kỹ sư phần mềm chuyên về trí tuệ nhân tạo hoặc máy học cao hơn tới 12% so với các lĩnh vực khác.

Ông cho biết, thu nhập trung bình của một kỹ sư phần mềm cấp cao chuyên về AI hoặc máy học cũng đã tăng khoảng 4% kể từ đầu năm, trong khi mức lương trung bình của các kỹ sư phần mềm cấp cao nói chung không thay đổi.

BTV (Tổng hợp)