Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng: “Bơm tiền” ra nền kinh tế để cứu doanh nghiệp

11:30 20/05/2023

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho rằng, nền kinh tế đang “khát vốn” trầm trọng.

“Tại Kỳ họp thứ năm, khai mạc vào tuần tới, hy vọng Quốc hội sẽ tìm cách khơi thông vốn cho nền kinh tế, bởi nhiều doanh nghiệp đã phải bán cả tài sản do không còn vốn làm ăn”, ông Hòe nói.

Ảnh minh họa
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

Nhiều chuyên gia cho rằng, tiền không ra được nền kinh tế vì nằm ở hàng tồn kho. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng, đây là phỏng đoán không có cơ sở, vì nhìn vào chỉ số tiêu thụ và chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sẽ thấy tiền không nằm ở đây.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, Chỉ số Tiêu thụ hàng hóa chỉ giảm nhẹ (giảm 2,9%) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác, chỉ cần một khâu bị tắc là chỉ số tiêu thụ bị giảm. Chỉ số hàng tồn kho quý I/2023 tăng 19,8% so với cùng kỳ 2022 cũng là bình thường, vì hoạt động sản xuất, kinh doanh bao giờ cũng hàng “gối đầu”.

Vậy tiền đang nằm ở đâu?

Tiền đang nằm ở NHNN. Con số khoảng 1 triệu tỷ đồng không tiêu được nằm ở NHNN đã được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới tại các kỳ họp trước, đến nay vẫn không tiêu được, mà còn tăng lên. Đây là sự lãng phí của xã hội, vì đồng tiền không quay vòng được. Đặc biệt, tiền huy động thông qua phát hành trái phiếu chính phủ không giải ngân được không chỉ lãng phí cho xã hội, mà cả nền kinh tế phải gồng mình trả lãi.

Ông có gì chứng minh tiền đang ở NHNN?

Bốn tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 645.400 tỷ đồng, trong khi chi 500.300 tỷ đồng, như vậy còn kết dư 145.100 tỷ đồng, cộng với hàng trăm ngàn tỷ đồng năm 2022 và các năm trước chuyển sang do chưa chi hết. Chưa kể, Kho bạc Nhà nước phát hành 139.683 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.

Về chi, ngoài chi thường xuyên, chi trả nợ lãi trái phiếu chính phủ phát hành từ các năm trước, theo số liệu của Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới khoảng 110.634 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch năm và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với 4 tháng đầu năm 2022.

Tổng số tiền thu về, cả thu ngân sách nhà nước lẫn phát hành trái phiếu chính phủ, lớn hơn tổng số chi ra, bao gồm chi thường xuyên, chi trả nợ lãi và chi đầu tư xây dựng cơ bản, đang nằm trong kho của NHNN. Số tiền năm trước chưa giải ngân, chưa tiêu hết cũng nằm ở đây, vì đó là theo quy định. Tiền nằm ở ngân hàng thương mại và hệ thống kho bạc rất ít so với tổng số tiền của nền kinh tế. 

Một số liệu nữa cũng chỉ ra tiền đang nằm ở NHNN, đó là trong quý I/2023, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 0,57% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 2,49%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%, thấp hơn mức tăng 4,03% của quý I/2022.

Theo ông, tiền không ra được nền kinh tế là do đâu?

Trước hết là đầu tư công không giải ngân được. Đây là căn bệnh nan giải đã kéo dài nhiều năm, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Chính phủ là nhà đầu tư lớn nhất của nền kinh tế, khi tiền Chính phủ không ra được thị trường, thì không thể kéo các nguồn vốn khác đổ vào thị trường, khiến cả nền kinh tế thiếu tiền, doanh nghiệp hết tiền do dòng tiền không quay được.

Hiện nhiều doanh nghiệp thiếu tiền đến mức phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đều đã bán, nhiều trường hợp chỉ bán bằng 50% giá trị thực như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vừa qua.

Một nguyên nhân nữa là lãi suất vay vốn ngân hàng cao, nên ít ai dám vay tiền để đầu tư, khiến dòng vốn vẫn nằm trong ngân hàng.

NHNN đã liên tiếp hạ lãi suất 2 lần rồi, thưa ông?

Nhưng mặt bằng lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn rất cao, khó doanh nghiệp nào có thể vay vốn với lãi suất 10-11%/năm. Dù Việt Nam đã 2 lần hạ lãi suất và các ngân hàng thương mại đang trong xu hướng giảm lãi suất, nhưng so với mặt bằng lãi suất trên thế giới, thì lãi suất vay vốn ngân hàng của Việt Nam vẫn cao, khiến khả năng cạnh tranh giảm, lợi nhuận thấp.

Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, nếu có tiền thì gửi ngân hàng hưởng lãi “cho nhẹ đầu” và không ai muốn vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh oanh, vì lãi suất vay vốn ngân hàng còn cao hơn lợi nhuận có được từ việc kinh doanh, trừ kinh doanh những lĩnh vực có lợi nhuận cao, nhưng đầy rủi ro như bất động sản.

NHNN thận trọng trong bơm tiền ra nền kinh tế phải chăng là do lo ngại lạm phát trở lại?

Các chuyên gia kinh tế và Tổng cục Thống kê nhiều lần khẳng định, lạm phát ở Việt Nam nhiều năm qua không có yếu tố tiền tệ. Nguyên nhân bắt nguồn từ chi phí đẩy do nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh phải nhập khẩu, khi giá nhập khẩu tăng, thì giá thành sản xuất tăng, giá bán hàng hóa tăng. Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát và buộc phải chấp nhận theo thị trường thế giới.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến lạm phát là tăng lương và tăng hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Điều này cũng không đáng lo ngại, vì mỗi khi tăng lương hay tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, giá cả có thể tăng ngay, nhưng chỉ tăng một lần duy nhất và khi đã thiết lập mặt bằng giá mới, sẽ không tăng nữa.

Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9% là mức lạm phát vô cùng thấp, chính là điều kiện lý tưởng để mạnh dạn bơm tiền ra nền kinh tế. Nếu vẫn để nền kinh tế khan tiền, doanh nghiệp “đói” tiền mặt, tiền nằm ở NHNN không quay vòng được, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp, cũng như kéo theo thất nghiệp, mất việc, thiếu việc làm gia tăng. Hy vọng, Kỳ họp thứ năm, khai mạc vào tuần tới, Quốc hội sẽ đưa ra quyết sách.

Mạnh Bôn