Nguy cơ bùng nợ tín dụng: Luật sư chỉ ra hậu quả và giải pháp phòng tránh

17:27 18/11/2023

Quỵt nợ và bùng nợ vay tín dụng tiêu dùng hiện đã xuất hiện những nhóm trên mạng với hàng trăm nghìn thành viên chia sẻ "bí kíp" xù nợ mà không bị bắt.

Ảnh minh họa
 Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh

Hiện nay một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook... nhưng không bị xử lý. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dư nợ không tăng mà còn giảm. Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.

Theo  Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, hệ thống pháp luật đã đầy đủ quy định từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự đối với hành vi bùng nợ. Hội nhóm trên mạng có thể bị xử phạt theo điều 101, Nghị định 15/2020. Các người cung cấp thông tin dịch vụ sai lệch cũng có thể bị xử phạt hành chính. Nếu có vi phạm nghiêm trọng, có thể xem xét về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người vay mượn cố ý không trả cũng có thể đối mặt với xử lý phạt từ vài triệu đồng trở lên.

Về hình thức xử phạt, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, đã nợ là phải trả. Hành vi bùng nợ có thể xử phạt từ mức hành chính đến hình sự. Việc lập hội nhóm những người cố tình đưa thông tin sai lệch có thể bị xử lý, xử phạt hành chính. Nếu cố tình vi phạm, có thể xem xét yếu tố hình sự với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, các quy định xử phạt với hành vi này đã có đầy đủ. 

Gần đây, đã xuất hiện nhiều ứng dụng giả mạo của các công ty tài chính và tổ chức tín dụng để cho vay với lãi suất cao. Bộ Công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm lớn với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít trong số 16 công ty tài chính tiêu dùng sử dụng tòa án để giải quyết vấn đề bùng nợ của khách hàng do quy trình kéo dài và khó khăn trong việc thực thi bản án.

Ông Truyền đề xuất cần thay đổi và xem xét việc sử dụng Trọng tài thương mại để giải quyết công việc nhanh chóng hơn. Các cơ quan chức năng cũng cần áp đặt chế tài nghiêm túc để ngăn chặn hành vi bùng nợ. Ông nhấn mạnh rằng, việc có tài sản sẽ bị kê biên để trả nợ, từ đó giảm khả năng bùng nợ.

Để ngăn chặn người dân bị lừa bởi hàng trăm ứng dụng cho vay giả mạo trên mạng, ông Truyền đề xuất các công ty tài chính cần hợp tác chặt chẽ với Trung tâm xử lý tin giả và Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử để liên tục rà soát và chặn IP của các trang giả mạo.

Về phần lời khuyên dành cho người dân, ông Truyền nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản là có vay thì phải có trả. Người dân nên tìm đến các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và cung cấp thông tin trung thực để nhận được mức lãi suất hợp lý. Ông cũng lưu ý rằng việc thương lượng về lãi suất là khả năng của người vay, và sự hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân sẽ mang lại lợi nhuận lâu dài cho cả khách hàng và công ty tài chính tiêu dùng.

Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, nhấn mạnh tới những nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành để ngăn chặn hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, mở rộng các kênh cho vay chính thức, hợp pháp, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Lâm Nghi