Ông Đặng Xuân Huy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp: Nghị quyết 68-NQ/TW là bước tiến mạnh mẽ về mặt nhận thức của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân trong thời đại mới
![]() |
Ông Đặng Xuân Huy |
Chúng tôi đánh giá Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước tiến mạnh mẽ về mặt nhận thức của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân trong thời đại mới. Việc xác định kinh tế tư nhân là một “động lực quan trọng” cho thấy sự ghi nhận chính đáng đối với những đóng góp mà thành phần kinh tế này đã đóng góp vào tăng trưởng GDP cho quốc gia của mình.
Các chính sách then chốt Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra có nhiều điểm mới bao gồm: Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tiếp cận công bằng về đất đai, tín dụng, cơ hội đầu tư giữa các thành phần kinh tế.
Nghị quyết cho thấy, hỗ trợ DN tư nhân khởi nghiệp, DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, tham gia chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Thúc đẩy hợp tác công - tư, liên kết vùng và liên kết ngành trong phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước vào vai trò của doanh nghiệp dân doanh, từ đó khơi dậy tinh thần tự tôn cống hiến cho đất nước, cho bản thân và cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và mở rộng đầu tư.
Để Nghị quyết 68-NQ/TW được triển khai hiệu quả, chúng tôi cho rằng cần phải quyết tâm thay đổi tư duy, cách nhìn của những người quản lý bộ máy nhà nước một cách bình đẳng, khách quan để : Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa các thành phần kinh tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí không chính thức; Tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách, phản hồi và đối thoại với các cấp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả thực thi.
Chúng tôi nhận thấy một số chính sách như phát triển cụm công nghiệp, cải cách thủ tục thuê đất đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt ở các địa phương như Đồng Tháp. Đây là những điểm sáng cần được phát huy.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực tế. Việc triển khai ở một số địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ. Do đó, rất cần sự theo sát và tháo gỡ vướng mắc kịp thời từ phía các cơ quan chức năng (nhất là trong giai đoạn sáp nhập Sở, Ngành và sắp tới là sáp nhập Tỉnh.)
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Ninh Thuận: Kinh tế tư nhân là quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Hồng |
Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu bước ngoặt rất lớn tư duy chiến lược của Đảng khi khẳng định kinh tế tư nhân là quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa. Do đó các hoạt động tất yếu điều chỉnh theo kinh tế thị trường.
Theo đó, nghị quyết chỉ ra được các giải pháp cho kinh tế tư nhân phát triển. Đầu tiên là tiên là sự thay đổi tư duy trong hệ thống chính trị của ta, trong các cấp chính quyền sau đó mới thay đổi thể chế để tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cho doanh nghiệp tư nhân. Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời khuyến khích các tập đoàn và các doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh được với các doanh nghiệp toàn cầu. Từ những hành động đó sẽ tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, giải pháp dịch vụ tiếp tục đóng góp mạnh vào sự phát triển đất nước.
Theo tôi, để nghị quyết này đi vào cuộc sống thì cũng không đơn giản, không thể một sớm, một chiều hiện thực hóa được. Do đó cần cả hệ thống chính trị phải quyết tâm, quyết liệt, giải quyết một cách công bằng, công minh, công tâm, mới đưa ra các văn bản dưới luật để thực hiện. Không hành chính hóa, không hình sự hóa trong vấn đề kinh tế. Làm sao phải khắc phục tư duy ưu tiên doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết này làm cơ sở chủ động giúp chúng ta thực hiện. Nếu được triển khai đồng bộ sẽ góp phần giúp cho kinh tế tư nhân thực sự lớn mạnh đưa nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân cũng nên chủ động nắm bắt, chuyển đổi nhanh số hóa, làm ăn minh bạch có đạo đức, không làm ra sản phẩm kém chất lượng, hàng gian, hàng giả. phải luôn chính trực minh bạch trong kinh doanh
Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA): Nghị quyết 68 — Đòi hỏi sự chuyển biến thực chất từ tư duy đến hành động đồng hành cùng doanh nghiệp
![]() |
Luật sư Nguyễn Hồng Chung |
Chia sẻ về ý nghĩa sâu xa của Nghị quyết 68, luật sư Nguyễn Hồng Chung — Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Chủ tịch hệ sinh thái DVL Ventures — nhấn mạnh, việc khẳng định kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất" không chỉ mang tính biểu tượng. Theo ông, đây chính là lời hiệu triệu mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện từ tư duy lãnh đạo, phương thức quản trị cho tới cơ chế thực thi, nhằm đảm bảo đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn.
Đánh giá cao tinh thần thẳng thắn của Nghị quyết 68 khi nhận diện rõ những hạn chế kéo dài trong thể chế, tư duy điều hành và các rào cản pháp lý, ông Chung cho rằng, điều này thể hiện sự cầu thị và quyết tâm đổi mới của Nhà nước. Tuy nhiên, để các chủ trương chính sách không rơi vào tình trạng "treo trên giấy", theo ông, điều tiên quyết là cần thiết lập cơ chế cam kết thực thi rõ ràng, đặc biệt tại cấp địa phương — nơi doanh nghiệp trực tiếp tương tác với bộ máy hành chính.
Ông nhấn mạnh, chính tại tuyến đầu này, sự đồng hành thực chất từ chính quyền sẽ quyết định hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng với vai trò chiến lược mà Nghị quyết 68 đã đề ra.
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA): Nghị quyết 68 là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt khó và vươn tầm
![]() |
Ông Nguyễn Vân |
Chia sẻ về thực trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cung ứng linh kiện và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân — Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) — thẳng thắn nhìn nhận: khu vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Từ hạn chế về nguồn lực, khó khăn trong tiếp cận đổi mới khoa học công nghệ, đến những trở ngại trong việc nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận vốn tài chính, đất đai và hạ tầng — tất cả đều đang là rào cản khiến doanh nghiệp khó bứt phá.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã nhiều lần kiến nghị các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh và tạo thêm dư địa phát triển bền vững cho khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Nguyễn Vân, sự ra đời của Nghị quyết 68 với những định hướng, giải pháp quan trọng đã kịp thời đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp. Ông khẳng định, nghị quyết này không chỉ giải tỏa những nút thắt hiện hữu mà còn đóng vai trò như "kim chỉ nam" định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới — giai đoạn vươn mình mạnh mẽ của đất nước.
Đặc biệt, theo ông Vân, khi quá trình tinh gọn bộ máy hành chính và sắp xếp địa giới hành chính đang được đẩy mạnh, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp cận các chính sách hỗ trợ tài chính. Đây là cơ sở để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng đầu tư, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.