Theo đánh giá của HoREA, Dự thảo Luật Thuế TNDN đã có nhiều sửa đổi hợp lý, thể hiện xu hướng cải cách và hỗ trợ doanh nghiệp, như cho phép doanh nghiệp được bù trừ lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác nhau, trừ một số trường hợp như chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư... Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, chuyển đổi số, phòng chống thiên tai, nhà tình nghĩa... sẽ được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Việc tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi thuế cho các dự án nhà ở xã hội cũng được HoREA đánh giá là phù hợp với mục tiêu an sinh xã hội của Nhà nước.
Đặc biệt, quy định áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 3 tỷ đồng, và thuế suất 17% cho doanh nghiệp có doanh thu từ 3 đến 50 tỷ đồng, là điểm tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ.
![]() |
HoREA đề xuất mở rộng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ |
Tuy vậy, HoREA cho rằng Dự thảo Luật vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là liên quan đến đối tượng áp dụng thuế suất ưu đãi. Theo phân tích của Hiệp hội, việc giới hạn mức doanh thu tối đa để được hưởng thuế suất 15% ở mức 3 tỷ đồng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ – vốn được pháp luật xác định là có doanh thu đến 10 tỷ đồng – bị thiệt thòi.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định 39/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được định nghĩa là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 10 người và doanh thu không quá 10 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có ngưỡng doanh thu chỉ 3 tỷ đồng. Việc Dự thảo Luật Thuế TNDN chỉ áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 3 tỷ đồng dẫn đến sự thiếu đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành.
Từ thực tế này, HoREA kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 10 của Dự thảo như sau: “Thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 10 tỷ đồng”. Theo Hiệp hội, việc mở rộng ngưỡng doanh thu này sẽ đảm bảo công bằng, đồng thời cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực – bao gồm cả thương mại, dịch vụ – đúng theo tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 10 của Dự thảo để mở rộng đối tượng áp dụng thuế suất 17%. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị nâng ngưỡng doanh thu từ “không quá 50 tỷ đồng” lên “không quá 100 tỷ đồng”, phù hợp với tiêu chí doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
Hiệp hội nhấn mạnh rằng quy định hiện tại đang gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước hiện có khoảng 920.000 doanh nghiệp, trong đó tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì việc mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi thuế là cần thiết để hỗ trợ khu vực kinh tế năng động và có đóng góp lớn cho GDP cũng như tạo việc làm cho người lao động.
Thông qua các kiến nghị nêu trên, HoREA kỳ vọng Dự thảo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện theo hướng đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế. Những điều chỉnh về ngưỡng doanh thu và đối tượng được hưởng ưu đãi thuế sẽ góp phần giảm gánh nặng thuế, khuyến khích khởi nghiệp và tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển bền vững.