Bài liên quan |
Việt Nam trước cơ hội phát triển năng lượng tái tạo |
Vốn đầu tư từ doanh nghiệp Đức tập trung vào công nghệ cao và năng lượng tái tạo |
Tối 11/12, Văn phòng Chính phủ vừa phát hành công điện thông báo về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về định hướng, chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra vào chiều ngày 12/12 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Bên cạnh đó, sự kiện còn quy tụ các Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan chủ chốt như Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cùng lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bí thư, chủ tịch từ 27 tỉnh có dự án năng lượng tái tạo. Đặc biệt, 154 chủ đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo cũng được mời tham dự tại trụ sở Chính phủ để trình bày trực tiếp về những vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Ngày 12/12 sẽ diễn ra Hội nghị tháo gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo |
Hiện tại, cả nước có 34 dự án năng lượng tái tạo bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 2.090,97 MW. Các dự án này đã hoàn thành đầu tư xây dựng từ năm 2021, vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đủ điều kiện phát điện lên lưới. Tuy nhiên, do những vướng mắc về thủ tục hành chính, đặc biệt là liên quan đến cơ chế giá FIT, các dự án vẫn chưa thể vận hành, dẫn đến tình trạng "đắp chiếu" kéo dài suốt hơn ba năm qua. Đây là một minh chứng điển hình cho sự lãng phí nguồn lực, đúng như nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm rằng “lãng phí đang diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển”.
Trước tình trạng này, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo đã nhiều lần được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội gần đây. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) khẳng định rằng những dự án này là của cải, nguồn lực của xã hội và đất nước, nên cần sớm được tháo gỡ để tránh lãng phí. Ông cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá toàn diện các bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo các cơ quan chức năng đề xuất giải pháp khắc phục.
Trước đó, giữa năm 2023, 23 nhà đầu tư điện gió và điện mặt trời đã gửi kiến nghị lên Chính phủ, đề xuất cho phép huy động tạm thời các dự án đã hoàn thành đầu tư và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành. Họ đề xuất một số phương án thanh toán tạm thời như thanh toán 90% hoặc 50% giá trần khung giá theo Quyết định 21, kèm theo các điều kiện có hoặc không hồi tố, và không tính thời gian huy động tạm vào thời hạn hợp đồng mua bán điện chính thức kéo dài 20 năm. Các nhà đầu tư nhấn mạnh tình thế khó khăn hiện tại khi vốn đầu tư đã bỏ ra, dự án đã hoàn thiện nhưng không thể phát điện thương mại, gây thiệt hại nặng nề về tài chính.
Trong bối cảnh này, Hội nghị được kỳ vọng sẽ là cơ hội quan trọng để Chính phủ và các bên liên quan tìm ra giải pháp tháo gỡ hiệu quả, đảm bảo nguồn lực được sử dụng hợp lý, tránh lãng phí và thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển bền vững. Chủ đầu tư và các cơ quan quản lý mong muốn Thủ tướng chỉ đạo ban hành ngay các quy định, hướng dẫn cụ thể để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đưa các dự án vào vận hành và khai thác tối ưu tiềm năng của nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.