Năm 2023: Khả năng cắt lỗ của các hãng hàng không Việt còn mong manh

18:15 24/02/2023

Tại Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt", chiều 24/2, TS Cấn Văn Lực cho rằng, dù đứng trước nhiều cơ hội nhưng khả năng cắt lỗ của các hãng hàng không Việt trong năm 2023 còn mong manh.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng trưởng tốt (dự báo ở mức 6-6,5%, thấp hơn mức 8,02% trong năm 2022, song vẫn là mức cao so với thế giới khoảng 2%). Tuy nhiên, áp lực lạm phát còn gia tăng đến hết quý 1/2023 và dự báo CPI bình quân cả năm khoảng 4-4,5% (trong mục tiêu đề ra).Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (hiện khoảng 100 triệu người), tuy nhiên chỉ có 5 hãng hàng không đang hoạt động. Quy mô thị trường lớn, với số lượng các hãng hàng không ít so với các nước trong khu vực (như Thái Lan hơn 70 triệu người với 14 hãng hàng không; Philippines hơn 100 triệu người, với 10 hãng hàng không). Bên cạnh đó, GDP đầu người ngày càng tăng và mức sống người dân ngày càng cải thiện; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh.

Ảnh minh họa
TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt". 

“Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành hàng không Việt Nam có mối tương quan cùng chiều với tăng trưởng GDP đầu người (GDP tăng 1% sẽ khiến ngành hàng không tăng 1,5-2%). Tăng trưởng thu nhập đầu người cao hơn (năm 2022 khoảng 4.110 USD/người/năm và dự báo tăng khoảng 6-7% giai đoạn 2023-2030) sẽ kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không”, ông Lực cho biết.

Cũng theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng khá, thúc đẩy nhu cầu di chuyển cho mục đích công việc, mục đích cá nhân cũng như luân chuyển hàng hóa quốc tế.

Năm 2023, dự kiến vốn đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 29-30 tỷ USD, tăng 4-8%, vốn thực hiện đạt khoảng 24-25 tỷ USD, tăng 5-10%, trong bối cảnh triển vọng thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn.

“Trong những năm tới, dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục khả quan. Việt Nam đang dần trở thành trung tâm kết nối thế giới, với mức độ hội nhập sâu, khi đó, nhu cầu về vận chuyển bằng đường hàng không dự báo tiếp tục hồi phục và tăng cao trong các năm tới”, ông Lực dự báo.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng không Việt đang phải đối diện với không ít rủi ro, thách thức.

Đối với rủi ro về dịch bệnh, ngành hàng không Việt rất nhạy cảm đối với khủng hoảng và các dịch bệnh. Mặc dù dịch bệnh hiện nay vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu song vẫn không loại trừ bùng phát trở lại, hoặc phát sinh các dịch bệnh mới, khi đó sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành hàng không do mức độ lây lan nếu xảy ra.

Ảnh minh họa
Khả năng cắt lỗ của các hãng hàng không Việt trong năm 2023 còn mong manh. 

Đối với rủi ro về sự suy thoái của nền kinh tế, năm 2023, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp (khoảng 2%), lạm phát vẫn ở mức cao (5,2%).  Một số nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái (dù mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn), ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không. Tuy nhiên, kinh tế thế giới dự báo sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2024 (tăng khoảng 2,7-3%) và lạm phát tiếp tục giảm (khoảng 3-3,5% năm 2024).

Về thách thức quá tải các cảng hàng không, theo ông Lực, hiện nay, hạ tầng hàng không đang bị quá tải khi tổng công suất thiết kế của 21 cảng hàng không đạt 96 triệu lượt khách/năm; trong khi lượng hành khách hiện tại đã gần vượt quá công suất thiết kế.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hàng không Việt đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh. Xu hướng tự do hóa ngành hàng không, đặc biệt là Hiệp định mở cửa bầu trời ASEAN mở ra tiềm năng to lớn, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các DN quốc tế, khi các doanh nghiệp hàng không Việt Nam dần mất sự bảo hộ của Chính phủ.

Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp FDI nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% doanh nghiệp hàng không, tuy nhiên với chính sách mở cửa bầu trời ASEAN cho phép các hãng hàng không bay tự do khắp các nước thành viên ASEAN trong một thị trường vận tải hàng không thống nhất sẽ tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh hớn với các hãng hàng không trong nước. Trên khía cạnh đó, rủi ro cạnh tranh trong ngành hàng không được đánh giá ở mức khá cao.

Ngoài ra, mặc dù giá xăng dầu hiện đã giảm mạnh so với mức đỉnh giữa năm 2022 nhưng dự báo vẫn duy trì ở mức cao và diễn biến khó lường, biến động với biên độ giao động lớn. Trong năm 2022, giá dầu Brent và giá xăng Jet đã tăng cao bất thường, làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp hàng không. Theo đánh giá của Corrine Png (2019), nếu giá xăng máy bay tăng 1%, thì lợi nhuận của Vietnam Airlines có thể giảm 6% tương ứng.

“Với những điểm mạnh, cũng như các rủi ro, thách thức đã nêu, dự báo ngành hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ là một trong những ngành có mức tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, với giá nguyên nhiên liệu còn ở mức cao, lãi suất còn cao trong khi khả năng phục hồi đạt gần mức trước dịch đến cuối năm 2023 thì khả năng cắt lỗ của các hãng hàng không Việt lớn như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways… còn khá mong manh”, ông Lực dự báo.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, ông Lực cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023. Bộ Công Thương đang đề xuất điều chỉnh về thời gian điều hành giá xăng dầu (giảm 10 ngày xuống 7 ngày và quy định vào ngày thứ năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ) đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giãn hoãn một số loại thuế, tiền thuê đất… trong năm 2023, với tổng số tiền thuế đề nghị gia hạn khoảng 110.000 tỷ đồng (tương ứng chi phí cơ hội khoảng 3.200 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không Việt, ông Lực khuyến nghị: Việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước; giãn hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không như năm 2022 là cần thiết. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, đảm bảo hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu.

“Do thị trường hàng không Việt ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nên việc dùng các biện pháp hành chính như áp giá trần, giá sàn hay đưa qui định về giá, phí vào Luật giá sửa đổi cần phải hết sức cân nhắc, hạn chế can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực này. Và đáp lại, các doanh nghiệp hàng không cần trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn nữa”, ông Lực khuyến nghị.

Hoài Anh