Năm 2019: Chủ động kiềm chế lạm phát

00:00 12/10/2020

Mục tiêu kiềm giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 tăng không quá 4% so với năm 2018 không đơn giản, đòi hỏi sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm. 

Thách thức trong điều hành giá

Chủ động trong công tác điều hành giá là mục tiêu được Chính phủ đặc biệt quan tâm khi từ tháng 12/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng có các giải pháp để kiểm soát chặt chỉ số này. Nguyên nhân là bởi nếu như các năm trước, CPI tăng cao vào tháng 1 và 2 do trùng dịp Tết, sau đó giảm dần từ tháng 3, thì năm 2018, CPI đã tăng đều qua các tháng, tính từ đầu năm đến hết quý III. Sang quý IV, CPI mới giảm tốc, mà chủ yếu là do sự ổn định của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, sự giảm giá của giá dầu thô trên thị trường quốc tế, từ đó khiến cho nhóm giao thông - vốn là nhóm cao nhất trong thành phần CPI giảm xuống. Điều này khiến việc kiểm soát giá năm 2019 không tăng quá cao so với cùng kỳ năm 2018 gặp một số khó khăn.

Giá xăng dầu đang tiếp diễn xu hướng giảm, tạo dư địa cho CPI không tăng quá mức

Ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2019, một số địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình. Đáng chú ý, giá điện dự báo sẽ tăng trong năm 2019 sau một thời gian duy trì ở mức tương đối thấp. Dù giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng thuế đánh vào xăng dầu tăng kịch trần cũng là yếu tố gây tăng lạm phát. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cùng với kết hợp giữa phục hồi tăng trưởng và nới lỏng tiền tệ ở mức hợp lý là điều nên làm trong bối cảnh hiện nay.

Quý I/2019 rơi vào dịp Tết nên giá cả hàng hóa ít nhiều sẽ có biến động nhẹ. Nếu cung - cầu hàng hóa không được đảm bảo, công tác bình ổn thị trường không được thực hiện triệt để sẽ gây áp lực lên CPI.

Vẫn còn dư địa

Song song với những thách thức nêu trên, CPI năm 2019 vẫn còn nhiều dư địa thuận lợi để thực hiện. Bởi mức khởi điểm của CPI trong tháng đầu năm 2019 nhiều khả năng sẽ ở mức dưới 3% sau khi Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Giá xăng dầu cũng vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm trong thời gian gần đây, từ hơn 70 USD/thùng xuống trên dưới 50 USD/thùng, tạo dư địa cho CPI không tăng quá mức. Đồng thời, góp phần giảm tải cho mức tăng của CPI khi thuế môi trường cho mặt hàng này được áp dụng từ đầu năm 2019.

Về giá cả hàng hóa dịp Tết, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia ngành bán lẻ - cho rằng, các chỉ số này hoàn toàn có thể giảm tải nếu công tác quản lý giá cả thị trường, giảm chi phí trung gian, hoặc phát sinh bất hợp lý. Đặc biệt, nên chú ý điều hành tăng/giảm giá các loại dịch vụ cơ bản như điện, nước, giáo dục, y tế, thuốc chữa bệnh vào những thời điểm hợp lý. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, bảo đảm trật tự trên thị trường; phòng, chống gian lận thương mại, nhất là vào các dịp cuối năm, lễ, tết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ đã và đang theo sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, đảm bảo đủ hàng hóa, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Đồng thời, vận động các địa phương, doanh nghiệp triển khai các chương trình bình ổn, cam kết không tăng giá trong dịp cuối năm.

"Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã gửi kế hoạch cung ứng và bình ổn giá dịp Tết về Bộ Công Thương. Dự báo, nếu không có biến động quá bất thường, dịp Tết Nguyên đán tới, hàng hóa sẽ đảm bảo dồi dào và không tăng đột biến, tạo dư địa cho hoàn thành CPI quý I cũng như cả năm 2019" - ông Trần Duy Đông cho hay.

Phương Lan

Tags: