Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21, sửa đổi và bổ sung một số quy định về thuế, phí nhập khẩu nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp ô tô trong nước sẽ được đưa về mức 0% và áp dụng đến hết năm 2027. Đây được xem là bước tiếp nối các chính sách ưu đãi thuế trước đây, khi mà Nghị định 57 và Nghị định 26, ban hành vào các năm 2020 và 2023, đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2024.
Bộ Tài chính nhận định rằng việc thực hiện các chính sách ưu đãi thuế cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đã mang lại những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy đầu tư, mở rộng sản xuất trong nước thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN với thuế suất 0%. Nhờ đó, ngành công nghiệp ô tô nội địa không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn tạo ra động lực lan tỏa đến các ngành liên quan như bảo trì, bảo dưỡng và dịch vụ sửa chữa ô tô. Đồng thời, các chính sách ưu đãi này cũng đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô điện trong tương lai.
![]() |
Miễn thuế nhập khẩu - trợ lực phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước |
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng đánh giá cao vai trò của chính sách ưu đãi thuế trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường ô tô trong nước. Nhờ các chính sách hỗ trợ, quy mô sản xuất được mở rộng, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của một số dòng xe điện lắp ráp trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa của một số dòng xe thương mại đã đạt mức tương đối cao, thậm chí, nhiều sản phẩm ô tô và linh kiện ô tô của Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và quốc tế.
Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng ghi nhận những tác động tích cực của chương trình ưu đãi thuế, đặc biệt là việc áp dụng thuế suất nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Chính sách này đã giúp các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô, đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại và nâng cao năng suất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp Giấy xác nhận ưu đãi thuế cho khoảng 40 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô thuộc Danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, chính sách ưu đãi thuế là một "đòn bẩy" quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ và từng bước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô.
Trong chiến lược phát triển dài hạn, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 55 - 60% nhu cầu linh kiện và phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tiến tới đạt 80 - 85% vào năm 2045. Điều này phản ánh quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng bền vững, đồng thời nâng cao năng lực tự chủ sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các bộ phận quan trọng như động cơ, hộp số, bộ truyền động, thân vỏ xe... Các doanh nghiệp trong nước cũng cần tăng cường hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn, lựa chọn những sản phẩm linh kiện có thể sản xuất nội địa nhằm đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây sẽ là bước đi quan trọng để Việt Nam từng bước phát triển một ngành công nghiệp ô tô vững mạnh, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.