Thị trường mua bán ô tô Việt Nam 2 tháng đầu năm tụt dốc Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông lên 6 làn xe |
Có phản ánh, người mua ô tô bị yêu cầu trả thêm chi phí không chính thức. Nhân viên bán hàng gợi ý khách chi thêm tiền để được giữ chỗ hoặc nhận xe sớm. Một số trường hợp nhân viên đề nghị khách đặt cọc để được mua xe sớm nhưng không giải thích rõ, khiến khách hiểu là đặt cọc mua xe chính thức. Người mua ô tô còn bị gợi ý hoặc ép mua thêm phụ kiện, bảo hiểm với giá cao để được ưu tiên nhận xe sớm...
![]() |
Cảnh báo phát sinh chi phí không chính thức trong giao dịch mua bán ô tô |
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, tình trạng này đã diễn ra dưới nhiều hình thức: Từ “giao dịch tay đôi” giữa nhân viên và khách, cho đến việc đặt cọc mập mờ không rõ bản chất, khiến người tiêu dùng rơi vào thế bị động và thiếu căn cứ pháp lý để bảo vệ mình.
Những hành vi kể trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hành vi vi phạm nêu trên nếu có căn cứ xác định rõ tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh liên quan, cơ quan chức năng có quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người tiêu dùng: Chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định mua xe như tra cứu giá niêm yết chính thức từ nhà sản xuất hoặc các kênh thông tin uy tín để tránh bị nâng giá; so sánh chính sách bán hàng, ưu đãi giữa các đại lý nhằm lựa chọn đơn vị minh bạch, rõ ràng nhất; thận trọng với mọi đề nghị giao dịch không có hóa đơn, giấy tờ hợp pháp; đặc biệt là các khoản “phí giữ chỗ” hay “đặt cọc ưu tiên” từ cá nhân nhân viên.
Người tiêu dùng cần yêu cầu bên bán cung cấp bảng giá chi tiết bằng văn bản, bao gồm các khoản phí phát sinh và thời gian dự kiến bàn giao xe trước khi thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào; đọc kỹ hợp đồng mua bán, bao gồm cả những điều khoản in nhỏ hoặc dễ bị bỏ qua; hay lưu giữ đầy đủ các tài liệu như hợp đồng, hóa đơn, biên lai, giấy đặt cọc để làm căn cứ khi có tranh chấp.
Đối với doanh nghiệp, đại lý phân phối ô tô, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, giá bán, chính sách hậu mãi, phí phát sinh (nếu có). Đặc biệt là công khai rõ mối quan hệ giữa đại lý phân phối và nhà sản xuất để người tiêu dùng hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách bán hàng minh bạch, trong đó yêu cầu nhân viên không được phép yêu cầu, dụ dỗ hoặc ép buộc khách thanh toán khoản phí ngoài hợp đồng; đào tạo nhân viên về đạo đức nghề nghiệp và quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; có cơ chế giám sát nội bộ, xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên vi phạm hoặc lợi dụng danh nghĩa đơn vị để trục lợi cá nhân.