Lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại

10:28 12/11/2022

“Luật ống", “luật khung" là văn bản luật ghi những quy định chung chung, muốn thi hành được phải có văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại”.

Ảnh minh họa
Ông Đậu Anh Tuấn

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, dù đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.

Báo cáo “Chất lượng của thông tư, công văn với hiệu quả của cải cách thể chế” của VCCI được công bố mới đây có nêu thực trạng thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh — điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.

Báo cáo cho biết, có những thông tư ban hành điều kiện kinh doanh “công khai”, có những thông tư lại ban hành điều kiện kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ví dụ như bộ quy tắc “thực hành tốt” trong kinh doanh dược, “thực hành tốt” đặt ra các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực nên cũng có tính chất như là điều kiện kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn gia nhập và hoạt động trong lĩnh vực này.

Việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ khiến môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém thuận lợi; rào cản từ các điều kiện kinh doanh được ban hành mà không được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu vấn đề về tình trạng lạm dụng ban hành thông tư trong một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư.

“Hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư dường như vẫn đang tồn tại. Việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều thông tư vẫn chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa thống nhất giữa các thông tư với nhau…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo ông Đậu Anh Tuấn, là do quy trình xây dựng, ban hành chưa thực sự minh bạch; việc đánh giá tác động quy định, đánh giá thủ tục hành chính tại thông tư chưa thực hiện một cách kĩ càng và có chất lượng. Hơn nữa, từ năm 2005 đã có quy định cấm thông tư ban hành điều kiện kinh doanh nhưng vẫn còn tình trạng này cho thấy cơ chế kiểm soát thực thi về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh đang chưa hiệu quả.

Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn có nhiều công văn ban hành các quy phạm pháp luật. Ví dụ, Công văn số 8909/BKHĐT-PC” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư 2020; Công văn số 1902/BYT-QLD13 của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các vấn đề như chất lượng của công văn chưa được đảm bảo, không đủ độ tin cậy, tình trạng các công văn trả lời chậm, thậm chí không trả lời khi doanh nghiệp gửi các câu hỏi, vướng mắc cũng được nêu ra trong báo cáo.

Từ những vấn đề nêu trên, yêu cầu cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp…

Ngoài ra, theo ông Đậu Anh Tuấn, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy phạm pháp luật; cần cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc doanh nghiệp.

Bình Phương