Năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, Thủ tướng cho rằng chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.
"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp" - Thủ tướng phát biểu.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động.
Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.
Tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính Việt Nam hiện nay.
Tại phiên thảo luận, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây là những chỉ đạo rất kịp thời và quyết liệt của Thủ tướng, hướng tới phát triển các lĩnh vực này theo hướng minh bạch, thị trường và chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị 3 nhóm giải pháp trong ngắn hạn.
Trước hết là phải minh bạch thông tin và thông điệp mạnh mẽ. Tiếp đến là sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.
Cùng với đó, phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ rào cản pháp lý và vốn cho nền kinh tế. Cụ thể là bảo đảm 4 cân bằng: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; Cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; Cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp người dân; Cân bằng giữa vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.
Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khơi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước. Cùng với đó, khơi thông nhanh dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường vốn tăng trưởng xanh.
Nhóm giải pháp thứ ba là bảo đảm thanh khoản của thị trường, bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng. Cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng.
Trong trung và dài hạn, ông Lực khuyến nghị 6 chữ dành cho thị trường bất động sản. Đó là Minh bạch, Thị trường và Chuyên nghiệp.
TS Lực cũng nêu ra, kinh tế vĩ mô trong nước năm 2022 đạt được 8 kết quả tích cực. Thứ nhất, dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ tháng 3.
Thứ 2, kinh tế phục hồi mạnh mẽ với sản xuất công nghiệp dự báo cả năm tăng khoảng 10% so với năm trước.
Thứ 3, tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15 - 16%.
Thứ 4, xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, trong đó, xuất khẩu năm 2022 ước đạt 380 - 384 tỉ USD, tăng khoảng 14%, cán cân thương mại thặng dư (khoảng 10 tỉ USD), góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.
Thứ 5, giải ngân FDI tiếp tục khả quan, ước đạt 21 - 22 tỉ USD, tăng 13% so với năm trước.
Thứ 6, thu - chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi; trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách nhà nước thặng dư (một phần do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch).
Thứ 7, lãi suất và tỷ giá tăng mạnh song vẫn trong tầm kiểm soát; dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8 - 9% so với đầu năm (trong bối cảnh đồng USD tăng giá, đã tăng khoảng 12% so với đầu năm).
Thứ 8, hoạt động doanh nghiệp phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng; dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm. Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.
Hoàng Anh