Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) đã thông tin về sự thay đổi quan trọng trong quy định áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát đối với một số thực phẩm nhập khẩu vào EU. Điều này được công bố thông qua Công báo chính thức của Ủy ban châu Âu.
Theo thông báo, một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam đến EU sẽ phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt tại cửa khẩu. Cụ thể, ớt chuông, mỳ ăn liền và đặc biệt là sầu riêng sẽ được kiểm tra với tần suất lần lượt là 50%, 20% và 10%. Đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam đối mặt với kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu khi đưa sang thị trường EU với tần suất 10%.
Quy định này cũng đặt ra yêu cầu mới đối với đậu bắp và thanh long, yêu cầu phải có giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam, và sẽ được kiểm tra với tần suất 50% và 20% tương ứng tại cửa khẩu EU. Thông báo này có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày đăng trên Công báo chính thức.
Theo quy định, mỗi 6 tháng một lần, EU sẽ công bố các sửa đổi trong quy định về kiểm soát hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với một số hàng hóa khi nhập khẩu vào EU. Thông báo tháng 1/2023 đã loại bỏ rau mùi, húng quế, bạc hà và mùi tây khỏi danh sách kiểm soát.
Cần lưu ý rằng từ ngày 6/1/2022, EU đã thêm mỳ ăn liền vào danh sách kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Ethylene Oxide) với tần suất kiểm tra là 20%. Tuy nhiên, từ ngày 27/6/2023, EU đã chính thức chuyển các loại mì ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II sang phụ lục I, với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đến 24 thị trường và sầu riêng đông lạnh đến 23 thị trường. Đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê của Tổng cục Hải quan.
PV (t/h)