Điều gì thúc đẩy các công ty thực hiện “làm việc tại văn phòng”?
Xu hướng làm việc tại văn phòng đang dần khẳng định vị thế của mình, song hành cùng mô hình làm việc linh hoạt. Trong quá trình chuyển đổi này, việc tìm ra sự cân bằng là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu suất tối ưu và phát triển bền vững của cả người lao động lẫn doanh nghiệp.
Trước hết, văn phòng không chỉ là nơi để làm việc, mà còn là môi trường cho sự giao tiếp và kết nối. Làm việc từ xa hầu hết không có điều này. Nếu làm việc tại văn phòng sẽ tạo điều kiện cho các nhân viên tương tác trực tiếp, giúp tăng cường sự hợp tác và thúc đẩy tinh thần đồng đội. Những cuộc họp ngẫu hứng tại văn phòng, những ý tưởng đột phá nảy ra trong một cuộc trò chuyện ngoài hành lang đôi khi lại chính là chất xúc tác mang lại cải tiến lớn giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn cho công ty. Làm việc tại văn phòng nâng cao tính củng cố văn hóa doanh nghiệp, tạo được cảm giác là nơi thuộc về và gắn kết giữa các nhân viên.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng có không gian làm việc thoải mái và ít bị xao lãng khi làm tại nhà. Nhưng ở văn phòng giúp nhiều người có môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, từ đó nâng cao hiệu suất công việc. Đối với những người trẻ, đặc biệt là những người mới đi làm, việc hiện diện tại văn phòng còn giúp họ học hỏi từ đồng nghiệp và xây dựng mạng lưới quan hệ. Nhiều trường hợp, vì thiếu sự gặp gỡ mà bỏ lỡ những tia sáng tiềm năng. Khi đến văn phòng làm việc, mọi người được chia sẻ những ý tưởng và cùng nhau giải quyết vấn đề nhanh hơn, phản ứng kịp thời trước các cơ hội cũng như thách thức.
Một lý do khác là tâm lý phân tách giữa công việc với cuộc sống cá nhân. Làm việc từ xa đôi khi xoà nhoà ranh giới giữa công việc và cuộc sống dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, kiệt sức. Văn phòng tạo ra một mốc rõ ràng ngăn cách hai khía cạnh này, giúp người lao động thư giãn tốt hơn khi về nhà. Hoặc một số nhân viên có thể cảm thấy cô đơn, khó khăn khi làm việc từ xa, đến văn phòng có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm lý và tạo ra một môi trường hỗ trợ hơn.
Hiện nay các doanh nghiệp đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn phòng, tạo ra môi trường làm việc thoải mái và hiệu quả với công nghệ hỗ trợ tốt hơn cho nhân viên. Nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra những thách thức khi nhân viên làm việc từ xa, đặc biệt trong việc duy trì văn hóa công ty và đảm bảo an ninh thông tin. Do đó, họ đã và đang tìm cách thúc đẩy nhân viên quay lại văn phòng, ít nhất là với một phần thời gian làm việc trong tuần. Điển hình nhất phải kể đến các tập đoàn lớn như Amazon sẽ chính thức áp dụng xu hướng này vào tháng 1/2025, công ty công nghệ Grap tại Singapore ra yêu cầu các nhân viên quay trở lại làm việc tại văn phòng đủ 5 ngày/ tuần.
Theo báo cáo của hãng Tư vấn kiểm toán KPMG thì có tới 83% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu nhận định xu hướng quay trở lại văn phòng làm việc sẽ hoàn tất trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các công ty chấm dứt hoàn toàn với “làm việc linh hoạt” vì xu hướng này cũng vẫn là cách thu hút nhân tài rất hiệu quả.
Mỗi tổ chức sẽ có cách tiếp cận riêng dựa trên nhu cầu và đặc điểm công việc của mình. Việc quản lý sự chuyển tiếp một cách hợp lý và nhạy bén sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích cho cả nhân viên và doanh nghiệp.
Dù mô hình làm việc có thay đổi như thế nào, quan trọng hơn cả vẫn là tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn cách làm việc phù hợp nhất với họ; khi đặt yếu tố con người lên hàng đầu, khi đó lợi nhuận, năng suất và văn hoá công ty sẽ tự cải thiện. Linh hoạt trong làm việc là xu hướng tất yếu của tương lai, và việc chuyển đổi giữa làm việc từ xa và tại văn phòng có thể sẽ trở thành điều thường thấy trong nhiều doanh nghiệp.