Diễn đàn là nơi hội tụ các đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng chuyển đổi số, các đơn vị ứng dụng công nghệ số điển hình, các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất và năng lượng, để cùng nhau thảo luận, đánh giá về tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực nói trên, cũng như bàn về các giải pháp chuyển đổi số hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai.
Ngành Công Thương là ngành tích cực thực hiện chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý. |
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài. Đến tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 5/11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm 2023. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD. Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới” – Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định.
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung như tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương theo 3 lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng, dịch vụ logistics.
Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 diễn ra với một phiên toàn thể và hai Hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận về chủ đề “Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh trong sản xuất và năng lượng” và “Xu hướng phát triển Thương mại điện tử bền vững trong kỷ nguyên số”.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ngành Công Thương là vô cùng cần thiết trong nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành Bộ Công Thương cũng như thúc đẩy kinh tế số trong ngành, tuy nhiên để phát triển kinh tế số ngành Công Thương một cách bền vững vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, rào cản. Các bài tham luận và trong tọa đàm các diễn giả và đại biểu đã cùng tập trung thảo luận về thực trạng chuyển đổi số ngành Công Thương, lộ trình kế hoạch cũng như các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương trong giai đoạn tiếp theo, trong đó chú trọng vào 3 lĩnh vực cốt lõi của kinh tế số bao gồm: Thương mại điện tử, công nghiệp – sản xuất thông minh và năng lượng thông minh.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đại điện lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Vụ Kinh tế số, xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ về những chính sách, chiến lược, kế hoạch thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tham gia chuyển đổi số. Các kinh nghiệm, thành tựu trong việc chuyển đổi số thành công cũng như các giái pháp, đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực hiện thành công và hiệu quả hơn công tác chuyển đổi số cũng được đại diện đến từ Sở Công Thương Hà Nội, Tập đoàn Điện lực, Grab Việt Nam và FPT Digital chia sẻ tại phiên tọa đàm toàn thể.
Tại phiên hội thảo chuyên đề với Chủ đề “Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh trong sản xuất và năng lượng”, các bài tham luận của các diễn giả cho biết trước bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là thiết yếu trong phát triển ngành công nghiệp sản xuất và năng lượng Việt Nam. Các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận về các quan điểm phát triển cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp sản xuất và năng lượng từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.
Tại phiên Hội thảo chuyên đề có chủ đề “Xu hướng phát triển thương mại điện tử bền vững trong kỷ nguyên số”, các diễn giả đã mang đến góc nhìn tổng quan về phát triển thương mại điện tử bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử đang hướng đến sự phát triển bền vững dựa trên việc cân bằng giữa 3 yếu tố chính kinh tế, xã hội và môi trường. Việc nhận thức rõ các xu hướng có thể giúp các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức và doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam giải được bài toán tăng trưởng nóng hay chiến lược để phát triển bền vững, khó khăn còn tồn tại trong quá trình tiến tới thương mại điện tử bền vững.