Chia sẻ tại Hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”, chiều 10/2, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế số nói riêng, đang chịu nhiều thách thức, đồng thời vấn đề phát triển bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm của các bên liên quan.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số đã phát triển khá nhanh trên thế giới từ trước 2020, song những cạnh tranh về địa chính trị trong lĩnh vực: Công nghệ và các dè dặt về lợi ích – chi phí và khả năng quản lý đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc các quốc gia tiếp cận kinh tế số.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã buộc các quốc gia phải gia tăng ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số một cách toàn diện. Ứng dụng công nghệ số chính là một giải pháp cốt lõi để giảm những hệ lụy tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên hoạt động của một nền kinh tế, sự vận hành của một doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Các xu hướng nổi bật của kinh tế số trên thế giới bao gồm phát triển thương mại số, thỏa thuận kinh tế số, ứng dụng đồng tiền số và ngân hàng số. Để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các Hiệp định Thương mại tự do.
Hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không.
Theo báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek, và Bain Company quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 USD năm 2050, trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất.
Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 – 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.
“Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng”, đại diện cho CIEM nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo CIEMC, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Hoài Anh