Kinh tế sáng tạo và sự vươn lên của các quốc gia

14:09 14/10/2020

Đổi mới sáng tạo đã trở thành kim chỉ nam trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng làm sao để thực sự trở thành một nền kinh tế sáng tạo?

Mấu chốt là vai trò động lực quan trọng của đổi mới sáng tạo trong tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.

Chỉ số của tương lai

Đây cũng là lý do để chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt. 80 chỉ số thành phần của GII cho phép đánh giá toàn diện về đổi mới sáng tạo, bao gồm môi trường chính trị, giáo dục, cơ sở hạ tầng và mức hoàn thiện kinh doanh.

Ngay cả khi vẫn đang tiếp tục ứng dụng, đầu tư và dẫn dắt mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo toàn cầu và có bề dày lịch sử và sự tiên phong trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, nước Mỹ đã nhận thấy áp lực từ các quốc gia đi sau và khoảng cách phát triển đang ngày một thu hẹp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu những ý tưởng khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh : TTXThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu những ý tưởng khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh : TTX

Cùng với tiến bộ và tốc độ thay đổi nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, tự động hoá, và trí tuệ nhân tạo, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới phải thích nghi chiến lược đổi mới sáng tạo của mình. Năm 2009, Mỹ đã xác lập mục tiêu của chiến lược là thiết lập nền tảng cho tăng trưởng bền vững và tạo việc làm có chất lượng, đồng thời nhấn mạnh vai trò kiến tạo của chính phủ liên bang. Châu Âu cũng xác định có cơ hội để dẫn đầu làn sóng đổi mới đột phá tiếp theo, nhưng điều này phụ thuộc vào việc chuyển hoá năng lực khoa học toàn cầu của mình sang đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, và kinh doanh.

Sáng tạo đang dần định hình, thúc đẩy đổi mới kinh doanh và tăng trưởng thông qua những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (startup) mà nổi bật nhất là những “kỳ lân” khởi nghiệp có định giá từ 1 tỷ USD trở lên. CBInsights - tập đoàn có nền tảng phân tích kinh doanh và cơ sở dữ liệu toàn cầu - thống kê được 491 kỳ lân trên toàn thế giới tính đến tháng 9/2020, với tổng giá trị vượt qua 1500 tỷ USD. Các quốc gia dẫn đầu như Hoa Kỳ (136), Trung Quốc (120), Ấn Độ (26), Anh (15), Hàn Quốc (11), Pháp (10), và Israel (7) cũng đang có vị trí lớn trong nền kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ở Việt Nam, chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động năm 2016 đã đưa nước ta vào quỹ đạo của một nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo. Làn sóng sáng nghiệp, khởi nghiệp công nghệ đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước. Xếp hạng theo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng từ 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2020) trên bảng tổng sắp và dẫn đầu trong 29 quốc gia trong nhóm có thu nhập trung bình thấp (trên Ấn Độ, Philippines và Indonesia).

Vingroup đầu tư vào mạng lưới R&D toàn cầu để tăng tốc chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ; Ảnh: ReutersVingroup đầu tư vào mạng lưới R&D toàn cầu để tăng tốc chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ; Ảnh: Reuters

“Kiềng ba chân” và tầm nhìn cho Việt Nam

Để tiến lên và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển thì Việt Nam nên coi phát triển đồng bộ “kiềng ba chân” con người – tri thức – công nghệ là điểm tầm nhìn trong thời gian tới. Ba hành động sau giúp chúng ta vươn đến mục tiêu:

Thứ nhất, kết nối các cơ sở giáo dục – đào tạo, viện nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội:

Tri thức là nguồn tài nguyên mà khi được sử dụng thì càng lớn ra. Tri thức khi được kết nối và doanh nghiệp có khả năng sử dụng tất cả nguồn tri thức từ bên ngoài thì hiệu quả của doanh nghiệp sẽ gia tăng. Trong môi trường số hoá, tri thức có thể được kết nối toàn cầu và do vậy doanh nghiệp có thể tiếp cận với thị trường nguồn lực quốc tế ngày một mở rộng hơn ở bất kỳ thời điểm nào.

Các cụm kinh tế cạnh tranh (competitive clusters) sinh ra từ những liên kết đại học – doanh nghiệp này không chỉ là môi trường để nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng sáng tạo cho lực lượng lao động chủ lực trong tương lai mà còn là đòn bẩy cho gia tăng năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua ứng dụng trực tiếp các phát minh sáng chế, đổi mới sáng tạo vào sản xuất, quản lý.

Thứ hai, xây dựng lộ trình nhập khẩu và phát triển công nghệ phù hợp với trình độ của nền kinh tế:

Doanh nghiệp cần cập nhật công nghệ và máy móc trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Công nghệ mới có thể đến từ nhập khẩu công nghệ và tự đổi mới, phát triển các công nghệ đang có. Mục tiêu phát triển bền vững đưa đến yêu cầu phải chọn mua và chuyển giao những công nghệ sạch, ít hoặc không phát thải khí nhà kính dựa trên những tiêu chuẩn cao về thân thiện, bảo vệ với môi trường. Điều này giúp chúng ta tránh được bẫy “thiên đường” ô nhiễm và công nghệ lỗi thời.

Tuy nhiên cần lưu ý là không phải lúc nào nhập khẩu công nghệ hiện đại nhất cũng là tốt nhất. Một công nghệ, máy móc, trang thiết bị nhập khẩu về phải phù hợp với trình độ và năng lực của lực lượng lao động hiện tại. Về dài hạn thì cần hướng đến việc gia tăng năng lực nghiên cứu nội tại để cải tiến những công nghệ hiện có và phát minh, sáng tạo ra những công nghệ mới.

Định hướng này đòi hỏi phải có những đầu tư lớn cho các chương trình nghiên cứu cơ bản, bên cạnh những chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Ví dụ như tín dụng thuế đối với chi phí R&D, giảm hoặc miễn thuế đối với các bằng phát minh sáng chế trong nước được đưa vào thương mạo hoá.

Trong môi trường cạnh tranh công nghệ khắc nghiệt ở phạm vi toàn cầu, nếu một quốc gia không có bản quyền công nghệ thì khả năng thương mại hoá các sản phẩm ở quốc tế sẽ không thực hiện được do vướng các vấn đề về bản quyền.

Cần có những chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Ảnh: Trung tâm R&D Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.Cần có những chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Ảnh: Trung tâm R&D Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Thứ ba, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:

Nhân tài (hay những cánh chim đầu đàn) và nhân lực chất lượng cao với những kỹ năng tốt, năng lực sáng tạo cao và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục là lõi của tầng lớp lao động sáng tạo. Để phát triển nguồn lực này trước hết cần phân tầng và dự báo nhu cầu lao động ngay từ trong quá trình đào tạo đối. Lựa chọn và ưu tiên cử đi đào tạo tại các đại học, trung tâm nghiên cứu xuất sắc về các mảng cốt lõi trong chuỗi giá trị của những ngành kinh tế trọng điểm. Tiếp đó, dựa trên danh sách các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên để lập chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân chuyên gia. Xây dựng các nền tảng để kết nối, hợp tác với các chuyên gia Việt Nam đang công tác ở nước ngoài.

Theo một nghiên cứu khảo sát về thu hút nhân tài của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) được thực hiện trên hơn 400 người Việt đang sinh sống và làm việc ở 31 quốc khác nhau (53% có học vị tiến sĩ, 39% trình độ thạc sĩ, 2% giáo sư và 5% là phó giáo sư), thì 54% người được hỏi đã lựa chọn mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực ở Việt Nam là lý do tiên quyết để họ trở về công tác trong nước. Cơ hội phát triển sự nghiệp tại Việt Nam (38%), được nhìn nhận, cống hiến và thăng tiến ở Việt Nam (26%), nhìn thấy cơ hội khởi nghiệp (21%) là các lý do khác. Như vậy, cơ hội nhìn nhận, cống hiến và thăng tiến, tạo sự ảnh hưởng tích cực tới kinh tế - xã hội, và môi trường làm việc có vị trí quan trọng. Lương cao và nhiều ưu đãi là cần thiết thu hút chuyên gia, nhưng vẫn chưa đủ. Có cơ chế tuyển dụng cạnh tranh, chính sách cải thiện môi trường làm việc và môi trường sống, và các chương trình hỗ trợ hòa nhập nhanh xã hội và thăng tiến trong công việc sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến của nhân tài và nhân lực chất lượng cao.

Phát triển đồng bộ “con người – tri thức – công nghệ” trên nền tảng một hệ sinh thái đối mới sáng tạo hoàn chỉnh là trọng tâm của một nền kinh tế sáng tạo và bền vững trong tương lai. Những quốc gia, doanh nghiệp tập trung hết mình cho nỗ lực đổi mới sáng tạo hôm nay sẽ làm chủ con đường tăng trưởng và năng lực cạnh tranh ngày mai. Mô hình con người của tổ chức, cả công và tư, sẽ tiến tới những thói quen của tầng lớp người lao động sáng tạo mà không «bay» theo hình mẫu về sự dập khuôn máy móc hay tuân thủ.

Những “vũ khí” mới để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế chính là sử dụng công nghệ mới, tích luỹ vốn con người, và ứng dụng tiến bộ công nghệ. Bên cạnh đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục - đào tạo thì xây dựng một môi trường kinh doanh - quản lý cởi mở, khuyến khích cạnh tranh, đề cao văn hoá đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ là những chính sách thiết thực. Bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và đặc tính sáng tạo ngày càng chiếm ưu thế càng cho thấy nguồn lực con người là chủ đạo, đặc biệt là tầng lớp người lao động sáng tạo với năng lực sản sinh ra những ý tưởng mới, tri thức mới, công nghệ mới. Đây cũng là ý tưởng mô hình phát triển kinh tế mới mà Viện Thịnh vượng Martin đề xuất trong báo cáo Chỉ số sáng tạo toàn cầu (Global Creativity Index 2015), dựa trên 3 trụ cột tài năng (tỷ lệ người trưởng thành có trình độ từ bậc đại học trở lên và lực lượng lao động trong tầng lớp sáng tạo), công nghệ (đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, và số lượng bằng sáng chế trên đầu người) và sự khoan dung (ứng xử với người nhập cư, chủng tộc và dân tộc thiểu số, các vấn đề giới tính).