Kiên Giang: Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở mức 12%

09:40 15/03/2021

Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang hơn 103 triệu USD, đạt 13,8% kế hoạch và tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2020

Theo Sở Công thương Kiên Giang, các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so cùng kỳ như: Hải sản hơn 37 triệu USD, tăng 25,6%, với các sản phẩm tôm đông, cá đông, mực và bạch tuộc đông, cá cơm sấy, hải sản đông khác, sản lượng khoảng 7.050 tấn; giày da hơn 22,6 triệu USD, tăng gần 3%, với trên 1,68 triệu đôi; còn lại là mặt hàng gạo, đồ hộp, rau quả và hàng hóa khác. Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu khoảng 17 triệu USD, giảm 35,37% so cùng kỳ, với hơn 29.900 tấn gạo các loại.

Mặt hàng xuất khẩu gạo giảm so với cùng kỳ
Mặt hàng xuất khẩu gạo giảm so với cùng kỳ.

Do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trong nước chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thủy sản các loại làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, thạch cao, than đá dùng trong sản xuất xi măng, lúa, cám dùng làm thức ăn chăn nuôi, đường tinh luyện, thủy sản đông lạnh, lon và nắp nhôm mới 100% dùng sản xuất đồ hộp cho động vật, phụ kiện trò chơi.…đều giảm.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, chú trọng đảm bảo nguồn nguyên liệu lúa, tôm, cá, mực... cung ứng cho sản xuất, chế biến xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản.

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao dịch, ký kết với đối tác tại những hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, Sở Công thương Kiên Giang tiếp tục cập nhật, thông tin, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP, thông tin tình hình giá cả, thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp nắm bắt, chủ động sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước trong khu vực và thế giới.

PV