Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác giải ngân vốn đầu tư công

16:02 18/10/2023

Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác giải ngân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sáng 18/10/2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội thảo chuyên đề: “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán”. Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, không thể phủ nhận thời gian gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam còn có những hạn chế. Cụ thể như: đầu tư công một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn dàn trải; hoàn thành các dự án đầu tư chưa kịp thời so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đâu đó còn có trường hợp thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, v.v.

Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác giải ngân.

Cụ thể như, chưa thực hiện hết số vốn được giao trong năm ngân sách; bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục hoặc kéo dài quá thời gian quy định; phân bổ vốn không đúng cơ cấu ngành được giao theo quy định; phân bổ vốn NSNN đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA tại một số đơn vị chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế; không phân bổ hết kế hoạch vốn từ đầu năm; chưa ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm; bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn cho dự án quá thời gian quy định; bố trí vốn không sát thực tế dẫn đến không sử dụng được, hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; điều chuyển vốn không kịp thời ảnh hưởng đến việc giải ngân; chưa ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA;...

Ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành IV: “Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% (đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 52,33% kế hoạch giao; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 28,37% kế hoạch giao. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, nguy cơ gây lãng phí, đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư, làm ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển”.

T.H