"Khó mà làm được thì mới quý"

11:33 27/09/2022

"Khó mà làm được thì mới quý", đó là ý kiến của TS.Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia khi đánh giá việc lãi suất điều hành, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và quá trình hồi phục nền kinh tế.

TS.Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia
TS.Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo TS.Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia, việc nâng lãi suất điều hành ngày 22/9 của Ngân hàng Nhà nước đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng không nhằm mức “thắt chặt tiền tệ” mà chỉ là mong muốn tạo ra sự chênh lệch lãi suất “đô – đồng” rộng hơn để bảo đảm rằng, người nắm giữ VND luôn có lợi hơn nắm giữ USD.

Ông Phước lý giải: "Trong lý thuyết tỷ giá hối đoái, điểm hoán đổi tiền tệ (Swap point) thể hiện mức độ chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền A và B. Nếu chênh lệch dương thì hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng tiền A, theo đó, người nắm giữ đồng tiền A có lợi. Đồng tiền A có lãi suất cao hơn lãi suất đồng tiền B thì tỷ giá của đồng tiền A cũng mạnh hơn đồng tiền B. Đó là mới chỉ nói tương quan về lãi suất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ tương quan về lãi suất mà còn tương quan về an toàn đồng vốn, đó là đồng USD. Cứ nôm na thế này, ra giữa biển khơi, nhìn thấy hòn đảo nào an toàn thì mình trú ngụ ở đó, USD là một hòn đảo. Cho nên, khi USD tăng lãi suất và mạnh lên thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất, tạo ra điểm Swap point hỗ trợ cho giá trị VND". 

Song song với tăng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức từ 4% lên 5%. Vậy tại sao vẫn phải dùng trần lãi suất huy động? TS Phước cho rằng, để trả lời câu hỏi này thì phải liên hệ đến tình hình thực tế về lãi suất bùng lên vượt trần trong các năm từ 2009 đến 2010, có thời điểm lãi suất cho vay lên đến hơn 20%/năm. "Nước lên thì thuyền lên, nước là lãi suất huy động, thuyền là lãi suất cho vay. Thế bây giờ muốn thuyền không lên thì nước đừng lên. Vậy thì tôi thiết lập một cái trần lãi suất huy động. Xây trần lãi suất huy động để các ngân hàng không vượt qua trần lãi suất huy động đó. Mọi người đều phải gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp và như vậy ngân hàng thương mại không thể cho vay với lãi suất cao được".

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã bỏ đi trần lãi suất huy động của các kỳ hạn các mà chỉ duy trì trần lãi suất của tiền gửi dưới 6 tháng thôi. Mức 4% thấp quá thì phải nâng lên.

Tăng lãi suất để bảo vệ nội tệ trong bối cảnh hiện nay là vấn đề của cả thế giới và được truyền dẫn vào Việt Nam. Thế giới đã phải chần chừ hành động vì kiểm soát được lạm phát thì phục hồi kinh tế khó khăn. Đó là sự chọn lựa không dễ dàng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nói hôm 22/9: “Tôi đã nghĩ có cách nào ít đau đớn hơn không nhưng mà cuối cùng thì không tìm ra”. Mỹ buộc phải chấp nhận thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp nhiều hơn, tăng trưởng giảm tốc từ 1,7% xuống còn 1,1% - 1,2%.

"Với Việt Nam, nếu tăng lãi suất thì chắc chắn kéo theo chi phí vốn huy động tăng, cho vay lập tức cao, mặc dù Chính phủ rất mong muốn lãi suất thấp. Giá vốn tăng thì giá bán phải tăng nhưng trong trường hợp này, muốn giá bán thấp như kỳ vọng thì phải kết hợp nhiều chính sách khác. Khó mà làm được thì mới quý", TS.Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh.

Hà Tiên