![]() |
Khánh Hòa đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết bảo hiểm thất nghiệp |
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu của nền hành chính công hiện đại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Không chỉ giúp người lao động thuận tiện hơn trong việc nộp hồ sơ và theo dõi quyền lợi, việc ứng dụng này còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và minh bạch hóa quá trình xử lý hồ sơ.
Công nghệ – chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Khi rơi vào hoàn cảnh mất việc, điều người lao động lo lắng nhất không chỉ là nguồn thu nhập bị gián đoạn mà còn là sự phức tạp trong thủ tục hành chính để nhận hỗ trợ từ nhà nước. Thế nhưng, với sự vào cuộc tích cực của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, các quy trình đã được đơn giản hóa, minh bạch hóa và số hóa tối đa nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Câu chuyện của chị Lưu Bích, một công nhân tại TP. Nha Trang, là một ví dụ điển hình. Sau khi nghỉ việc do lý do cá nhân, chị Bích đã rất lo lắng về tài chính. Tuy nhiên, nhờ được nhân viên Trung tâm tư vấn, chị đã hoàn tất thủ tục và nhanh chóng nhận được 4 tháng trợ cấp thất nghiệp. “Tôi được hướng dẫn tận tình cách nộp hồ sơ online. Nhờ đó, tôi không phải đi lại nhiều, mà vẫn giải quyết được chế độ nhanh chóng. Đây thực sự là giải pháp hữu ích,” chị Bích chia sẻ.
![]() |
Khánh Hòa đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết bảo hiểm thất nghiệp |
Anh Nguyễn Nhật Hân, cư trú tại thành phố Nha Trang cho biết anh có nhu cầu tìm việc làm trong lĩnh vực vận tải, giao hàng. Nhờ chatbot trên website của Trung tâm, anh đã nhanh chóng tìm được nhà tuyển dụng và hiện có công việc ổn định với mức thu nhập tốt. Điều này giúp anh tiết kiệm được thời gian và chi phí vì không phải nhờ môi giới.
Trang thiết bị hiện đại, dịch vụ số toàn diện
Theo ông Đặng Quang Giang – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, đơn vị đã đầu tư đầy đủ hạ tầng công nghệ phục vụ người lao động thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Một phòng chuyên biệt được bố trí các thiết bị hiện đại như máy tính cảm ứng, máy scan, tivi, hệ thống wifi miễn phí giúp người dân dễ dàng thao tác.
![]() |
Ông Đặng Quang Giang – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa |
Đặc biệt, Trung tâm đã xây dựng các quy trình hướng dẫn chi tiết, đăng tải trên nhiều nền tảng như trang thông tin điện tử, Facebook, Zalo. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các xã, phường để triển khai tại các điểm hỗ trợ dịch vụ công, trực tiếp tư vấn và hướng dẫn người lao động cách nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Để mở rộng độ phủ, Trung tâm cũng phát hành tờ rơi "Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp" với nội dung đơn giản, dễ hiểu, gửi đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Số hóa giúp tối ưu hiệu quả và giảm tải cho bộ máy
Kết quả cho thấy những nỗ lực trên đã mang lại chuyển biến rõ rệt. Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 3.624 hồ sơ, trong đó có tới 3.600 hồ sơ được nộp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia – chiếm hơn 99%.
Ông Giang đánh giá: “Việc nộp hồ sơ trực tuyến giúp người lao động tiết kiệm thời gian, chi phí, không phải xếp hàng chờ đợi. Họ có thể tự thực hiện mọi lúc, mọi nơi, chỉ với điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính cá nhân.”
Không chỉ người dân được hưởng lợi, chính Trung tâm cũng được giảm tải đáng kể. Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ qua hệ thống điện tử giúp kiểm soát tiến độ, theo dõi trạng thái xử lý nhanh chóng và chính xác hơn, thay vì xử lý hồ sơ giấy mất nhiều thời gian và công sức như trước.
Đẩy mạnh tuyên truyền – lan tỏa chính sách an sinh nhân văn
Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa xác định tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ then chốt để người lao động có thể tiếp cận đầy đủ, chính xác và chủ động hơn với chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian tới, Trung tâm dự kiến sẽ:
Phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện chuyên đề, phóng sự tuyên truyền về thủ tục, quyền lợi và lợi ích khi nộp hồ sơ online.
Tổ chức hội nghị tập huấn dành cho doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ qua mạng tại nhà.
Tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp sau trợ cấp thất nghiệp, kể cả cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Kiến nghị hoàn thiện công cụ quản lý thông tin
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song việc giám sát và xác thực thông tin của người lao động khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Hiện tại, người lao động phải đến Trung tâm hàng tháng để khai báo quá trình tìm việc. Tuy nhiên, việc xác thực các khai báo này còn thiếu công cụ hỗ trợ đồng bộ và tin cậy.
“Chúng tôi rất cần một cơ chế phối hợp và hệ thống dữ liệu dùng chung giữa ngành Bảo hiểm xã hội và hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm toàn quốc,” ông Giang nhấn mạnh. “Chỉ khi có một nền tảng công nghệ quản lý thống nhất, chúng ta mới có thể đối chiếu thông tin, kịp thời phát hiện người lao động đã đi làm nhưng vẫn đang nhận trợ cấp sai quy định.”
Đề xuất này không chỉ giúp hạn chế thất thoát quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà còn là bước đi cần thiết để nâng cao kỷ cương, hiệu quả của chính sách an sinh.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp tại Khánh Hòa không đơn thuần là một sáng kiến hành chính mà là nỗ lực đồng bộ, hướng đến việc phục vụ người dân tốt hơn. Với việc gần như toàn bộ hồ sơ được xử lý trực tuyến, Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa đang từng bước đưa chính sách an sinh đến gần hơn với người lao động – nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn.
![]() |
Người lao động lên trang điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa để tìm kiếm việc làm phù hợp |
Tương lai không xa, khi các đề xuất về công cụ giám sát được triển khai, bảo hiểm thất nghiệp sẽ không chỉ là “chiếc phao cứu sinh” tạm thời, mà còn là nền tảng vững chắc để người lao động an tâm tái khởi động lại hành trình nghề nghiệp.
Năm 2024, Trung tâm đã tư vấn việc làm cho hơn 8.400 lượt người lao động không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm cho 6.142 người, giúp hơn 3.600 người có việc làm. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức 127 phiên giao dịch việc làm, thu hút 826 lượt doanh nghiệp và kết nối việc làm thành công cho hơn 100 lao động. Tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc ứng dụng công nghệ số còn gặp nhiều thách thức. Do đó, Trung tâm đã kiên trì triển khai các chương trình tư vấn việc làm theo mô hình “mưa dầm thấm lâu”. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đúng thời điểm như dịp học sinh trường nghề tốt nghiệp, nhằm tăng hiệu quả kết nối lao động. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng cũng được đẩy mạnh. Ban đầu, chỉ có số ít người dân tham gia tư vấn nhưng đến nay, nhiều lao động mạnh dạn đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc |