Khẩn trương đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp

09:23 26/10/2021

Làm việc với Cục Công nghiệp chiều ngày 25/10/2021 về các nhiệm vụ liên quan đến phát triển công nghiệp của đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh nhiệm vụ trên, đồng thời yêu cầu Cục Công nghiệp có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất hậu Covid-19.

Phát triển công nghiệp làm nên thành công cho hội nhập

Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp trong tiến trình phát triển đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, hội nhập không chỉ xem từ góc độ Việt Nam tham gia các FTA mà để đầy đủ hơn cần được xem từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thế nào vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi theo Bộ trưởng hội nhập có thành công hay không thì phát triển công nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Việt Nam cần tạo dựng được các ngành công nghiệp mang tính nền tảng để sớm trở thành nước công nghiệp theo mục tiêu được xác định tại các nghị quyết của Đảng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. 

  Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam cần sớm xây dựng các ngành công nghiệp mang tính nền tảng

Trên tinh thần đó, buổi làm việc là dịp để Bộ nhìn lại thực tiễn góc độ tham mưu chính sách để tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp của đất nước trong thời gian tới.

Báo cáo Lãnh đạo Bộ về tình hình công tác của Cục Công nghiệp 9 tháng qua, Cục trưởng Trương Thanh Hoài đã nêu bật vai trò của Cục trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp.

Các hoạt động của Cục Công nghiệp cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và các hoạt động hỗ trợ khác trong ngành công nghiệp, tiếp tục tiến hành công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong các tháng cuối năm, Cục Công nghiệp sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người lao động.

Cùng đó tập trung cho việc hoàn thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp và truyền thông. 

Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục trưởng Trương Thanh Hoài kiến nghị lãnh đạo Bộ xem xét bổ sung thêm biên chế cho Cục Công nghiệp cả về lãnh đạo và cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đồng thời chỉ đạo các Vụ, Cục liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghiệp trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chính sách, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ cũng như các công việc thường xuyên khác trong quản lý ngành cũng như triển khai chương trình làm việc với các địa phương nhằm xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chiến lược, chương trình hành động về phát triển công nghiệp tại địa phương.

Cùng đó tạo điều kiện kết nối, phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia nhằm thu hút đầu tư, đồng thời kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; kết nối, xây dựng các chính sách hỗ trợ một số doanh nghiệp tiềm năng trong nước trở thành các tập đoàn lớn dẫn dắt các ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ Công Thương đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là các công cụ, tiêu chuẩn để phát triển công nghiệp. Theo đó, cần nâng tầm các chính sách phát triển công nghiệp đủ mạnh theo hướng xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp trong đó có lồng ghép chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Một số ý kiến cho rằng, cần thiết có hệ thống thuế mang tính linh hoạt để phát triển công nghiệp, góp phần tạo thêm lực đẩy và lực kéo các sản phẩm, dự án công nghiệp. Cần xác định rõ nội hàm những ngành công nghiệp nào là những ngành mang tính nền tảng để tập trung phát triển. Bên cạnh đó cần chú trọng và có cơ chế để phát huy vai trò của các địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp.  

Đặc biệt, một số ý kiến của lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ Công Thương nhấn mạnh việc tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu công nghiệp, trước hết là công nghiệp trong nước, xây dựng hệ thống truy xuất về nguồn gốc sản phẩm công nghiệp. Tập trung đấu tranh làm lành mạnh thị trường, hạn chế tối đa việc làm xói mòn hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước.

Công tác phòng vệ thương mại trong phát triển công nghiệp cũng cần được quan tâm bởi trong số 23 vụ việc điều tra trong nước thì có 16 vụ việc liên quan đến sản phẩm công nghiệp, trong khi có đến 80% vụ việc điều tra ở nước ngoài liên quan đến Việt Nam cũng có đến 80% thuộc về các sản phẩm công nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã ghi nhận những nỗ lực của Cục Công nghiệp thời gian qua nhất là trong các lĩnh vực tham mưu xây dựng chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần sớm xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng yêu cầu Cục Công nghiệp cần tăng cường và chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị trong Bộ để hoàn thành tốt hơn, bài bản hơn các nhiệm vụ được giao.

Khẩn trương xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp

Kết luận buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương Cục Công nghiệp, mặc dù mới được thành lập từ 2/10/2017 với chức năng, nhiệm vụ khối lượng công việc lớn (nhiều nội dung quan trọng, phức tạp liên quan tới khoáng sản, luyện kim, cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô , công nghiệp hỗ trợ; thuốc lá, rượu - bia – nươc giải khát; dệt may, da giày), đặc biệt là công tác tham mưu, xây dựng chính sách để phát triển ngành; cổ phần hóa chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp song Cục Công nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Kết quả nổi bật là phối hợp với các đơn vị chức năng của Ban Kinh tế Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình hành động Ban cán sự đảng Chính phủ và Kế hoạch hành động của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết.

Cục Công nghiệp cũng đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 (theo Quyết định 68/2017/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ) góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động: Đào tạo nguồn lực, cải tiến sản xuất, cải tiến quá trình quản lý chất lượng, tăng cường tỷ trọng công nghệ, đầu tư nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và phát triển tăng trưởng trong và ngoài nước.

Triển khai các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế (WB; UNIDO…) và các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Toyota, Mitsubishi… trong đào tạo, cải tiến, xúc tiến kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành các nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Cục Công nghiệp đã chủ động, tích cực phối hợp với đơn vị trong và ngoài Bộ tham mưu, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt là tham mưu chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất; hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động của Cục Công nghiệp thời gian qua như: Công tác tham mưu chính sách chưa chủ động, chất lượng chưa cao, đặc biệt là việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quản lý phát triển ngành. Các văn bản được ban hành có tính chất pháp lý chưa bền vững...

Công tác thanh tra, điều tra, giám sát thi hành thực thi các chính sách, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thường xuyên, chưa chủ động và kém hiệu quả. Sự phối hợp với chính quyền các địa phương trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, chương trình kế hoạch, quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương còn hạn chế. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Công tác xử lý văn bản và thủ tục hành chính có lúc, có việc còn chậm trễ.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ phát triển công nghiệp tới đây diễn ra trong bối cảnh Chiến lược 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm xác định tới năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại (tỷ trọng CN chế biến chế tạo trong GPP là 25% trở lên); 2030 là nước có công nghiệp hiện đại; 2045 là nước phát triển thu nhập cao.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và năng lượng được dự báo sẽ thiếu hụt trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó. Các nền kinh tế phát triển đã và đang đặt ra nhiều “luật chơi” mới.

Nhiều yếu kém nội tại vốn có của công nghiệp Việt Nam cần được giải quyết và ảnh hưởng khá nặng nề do Covid-19 trong khi năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu còn ít.

Nhằm tận dụng tốt các cơ hội để phát triển công nghiệp cả nước thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Công nghiệp thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài bộ, các hiệp hội, ngành hàng, địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do đại dịch Covid -19 gây ra. Trong đó, chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách đã được ban hành trong thời gian qua.

Hai là tiếp tục quán triệt, nghiên cứu thật sâu sắc trong cán bộ công chức, viên chức các quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước để khẩn trương đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ. Đồng thời, phối hợp các cơ quan hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng theo Nghị quyết 23 Bộ Chính trị, và Nghị quyết Đâij hội XIII của Đảng.

Ba là làm tốt công tác truyền thông. Đồng thời, khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương (nhất là những nơi có tiềm năng) để xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của địa phương (tích hợp vào Quy hoạch vùng, tỉnh).

Hướng dẫn, khuyến khích xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tập trung thật cao xây dựng, vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn cả nước để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm, là đầu mối kết nối với các trung tâm, các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, kết nối cung cầu cũng như đóng vai trò là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong vùng. ….. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu để sử dụng một cách đồng bộ, thống nhất.

Bốn là tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo nguyên tắc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước (với mục đích nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia).

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu, nâng cao tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị đa quốc gia của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Năm là nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong khai thác, chế biến và sử dụng các mỏ và loại khoáng sản của quy mô lớn, giá trị cao để sớm huy động vào nền kinh tế và phát triển ngành công nghiệp vật liệu và công nghiệp hỗ trợ… Hạn chế đến mức thấp nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu thô nguyên liệu khoáng sản.

Sáu là tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớp (thép, ô tô, dệt may, da-giày, thực phẩm) phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; sớm đưa vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Cục Công nghiệp cần chú trọng phối hợp với Văn phòng Bộ, các đơn vị trong Bộ làm tốt công tác truyền thông nhằm tạo đồng thuận trong Đảng, hệ thống chính trị, toàn xã hội để phát triển Ngành”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khẩn trương trình lãnh đạo Bộ phương án kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý cấp Cục, phòng, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, làm công tác nghiên cứu đề xuất chính sách, quản lý, giám sát hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cần chú ý nghiên cứu chính sách tiếp cận 3I: Imitid (bắt chước), Initiative (cải tiến), Inovation (đổi mới, sáng tạo)” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Liên quan các kiến nghị của Cục Công nghiệp, Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất Ban cán sự, lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.

Theo Báo Công thương