Khắc phục thẻ vàng IUU: Các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đến cuối năm 2021

11:46 28/10/2021

Trước tình trạng tàu cá khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, góp phần khắc phục thẻ vàng IUU của EC đến cuối năm 2021.

Sau 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt để chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC. Đối với ngành hải sản Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua; tính từ 2017 đến nay hàng hải sản VN xuất sang thị trường EU đứng từ vị trí thứ 2 đã giảm xuống vị trí thứ 5. Nếu tiếp tục bị phạt “thẻ vàng”, các lô hàng hải sản của Việt Nam sẽ tiếp tục bị giữ lại kiểm tra 100% nhằm xác định có đánh bắt bất hợp pháp không, thời gian kiểm tra kéo dài (có thể 3-4 tuần) làm tăng chi phí kiểm tra (chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đánh bắt vào khoảng 500 bảng Anh/container), chi phí lưu kho và nhiều chi phí khác; ngoài ra, doanh nghiệp còn mất uy tín với phía khách hàng do chậm giao sản phẩm. Nếu trường hợp không đạt thì hàng hóa sẽ bị trả về, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ nặng (mỗi containers bị trả về doanh nghiệp bị mất trên 200 triệu đồng Việt Nam).

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 truy bắt tàu đánh cá Kiên Giang sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 truy bắt tàu đánh cá Kiên Giang sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có 9.880 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, với tàu khai thác hải sản 9.430 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 450 chiếc, tàu khai thác xa bờ là 3.992 chiếc, chiếm gần 13% số tàu cá cả nước và hơn 40% tàu cá vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; có 3.608/3.623 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS theo quy định (đạt 99% số tàu phải lắp đặt thiết bị theo quy định), số còn lại đang tiếp tục lắp đặt hoàn thành; có 367 tàu cá, ngành chức năng đã đề xuất loại trừ thuộc diện xóa đăng ký và nằm bờ hư hỏng. Các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ mang tính hủy diệt như cào bờ, xiệp mé, sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản vẫn phổ biến nhưng chưa được xử lý nghiêm. Công tác quản lý vận hành, khai thác hệ thống giám sát hành trình tàu cá chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng chậm lắp đặt, tự ý gỡ thiết bị hoặc tác động làm mất kết nối. Hiện còn tới hơn 2.300 tàu, chủ yếu là tàu nhỏ hơn 12 mét không đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa có biện pháp quản lý; việc cấp giấy phép theo hạn ngạch, đánh dấu tàu cá theo quy định chỉ thực hiện đạt 16% số tàu đang quản lý; tình trạng tàu cá đóng mới vẫn chưa giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của ngư dân đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của tỉnh. Công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU chưa thường xuyên; thiếu kịp thời chấn chỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện, góp phần chấm dứt tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài từ nay đến cuối năm 2021.

Thứ nhất, Quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chủ trương, biện pháp của cấp trên về nỗ lực chống khai thác IUU từ nay đến cuối năm 2021 và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân biết, chấp hành nghiêm các quy định đánh bắt cá và không vi phạm khai thác IUU.

Thứ hai, Quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá và lao động đi biển trên địa bàn; khẩn trương rà soát, thu thập thông tin nhằm khoanh vùng, xác định các đối tượng có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài.

Thứ ba, Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm khai thác IUU. Tổ chức kiểm điểm công khai đối với các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác hải sản vi phạm.

Thứ tư, Quản lý, kiểm soát chặt chẽ ngư trường, phối hợp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý vi phạm; kiểm tra, kiểm soát nghiêm tàu cá xuất, nhập bến tại các chốt biên phòng phải đảm bảo các thủ tục theo quy định và gắn thiết bị giám sát hành trình; tổ chức tuần tra, truy quét, xử lý kịp thời, nghiêm minh tàu cá vi phạm IUU.

Thứ năm, Thiết lập các đường dây nóng đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã; thủ trưởng một số sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tiếp nhận, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ sáu, Củng cố, tăng cường lực lượng bố trí cho tàu kiểm ngư đủ sức hoạt động có hiệu quả; đồng thời khẩn trương thành lập Chi cục Kiểm ngư để đảm bảo công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp tìm kiếm cứu nạn và chống khai thác IUU trong thời gian tới. 

Thứ bảy, Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, địa phương của tỉnh với các lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn (Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4) tăng cường mở các đợt tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ tám, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; biểu dương, khen thưởng đồng thời xử lý nghiêm đơn vị, địa phương, trực tiếp là người đứng đầu nơi có tàu vi phạm chậm khắc phục.

Thứ chín, Tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 113/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh; qua đó kịp thời đánh giá toàn diện kết quả đạt được, chưa đạt được và nguyên nhân, đề ra lộ trình, giải pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiệntrong thời gian tới.

Ngoài ra, đối với chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân cần: Tự giác thực hiện đầy đủ điều kiện, thủ tục theo quy định như đăng ký, đăng kiểm tàu cá; Khi tàu cá xuất, nhập bến cảng cá, phải có đủ thủ tục hành chính theo quy định; Chấp hành nghiêm các quy định đánh bắt cá, không thực hiện các hành vi đánh bắt mang tính hủy diệt như cào bờ, xiệp mé, sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác hải sản; Không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vi phạm IUU; Lắp đặt và duy trì hoạt động thường xuyên của thiết bị giám sát hành trình khi tàu cá hoạt động trên biển.

Trần Hà