Các CCN trên tập trung ở 4 xã, trong đó xã Tân An có 3 CCN gồm: CCN Vật liệu xây dựng Tân An, CCN Tân An giai đoạn 1, CCN Tân An giai đoạn 2; xã Thiện Tân có 2 CCN: Thạnh Phú - Thiện Tân và Thiện Tân; xã Trị An có CCN Trị An; xã Vĩnh Tân có 1 CCN.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu dành thêm khoảng 236ha đất để phát triển mở rộng Khu công nghiệp Sông Mây giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Thạnh Phú. Đây là địa phương có quy hoạch nhiều CCN nhất tỉnh trong giai đoạn 10 năm trước và 10 năm sau. Trong đó, có nhiều CCN được quy hoạch từ giai đoạn trước nhưng chưa thực hiện được, nên đã chuyển sang giai đoạn 2021-2030.
Trong 10 năm tới, huyện Vĩnh Cửu sẽ được quy hoạch hình thành 3 vùng chính để phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Vùng công nghiệp, đô thị, dịch vụ; Vùng đô thị, hành chính, dịch vụ du lịch và Vùng sinh thái du lịch phía Bắc.
Như vậy, hiện nay, huyệnVĩnh Cửu là nơi được quy hoạch nhiều CCN nhất tỉnh. Mục tiêu mở thêm các CCN của tỉnh là nhằm di dời các DN nhỏ, các cơ sở làng nghề vào để phù hợp quy hoạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tuy vậy, những năm qua, việc thu hút các DN đầu tư vào hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất khó khăn. Sở dĩ các nhà đầu tư chưa mặn mà với việc làm hạ tầng các CCN là vì diện tích nhỏ chỉ từ 30-75ha. Trong các khu vực quy hoạch CCN đã có một số nhà máy sản xuất hiện hữu, khi hoàn tất hạ tầng chủ đầu tư còn lại diện tích đất cho thuê rất ít, lợi nhuận thấp. Đặc biệt 3 năm trở lại đây, giá đất tại Đồng Nai tăng cao, tiền bồi thường bị đẩy lên cao khiến chi phí đầu tư cũng tăng lên.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng huyện Vĩnh Cửu cần rà soát, tính toán lại quy hoạch diện tích đất ở, đất công nghiệp cho phù hợp. Huyện cũng cần xem xét lại các dự án cụm công nghiệp đã quy hoạch giai đoạn trước đó, nếu không triển khai được thì hủy bỏ quy hoạch để trả lại quyền lợi trên thửa đất cho người dân.
Diệu Hồng