Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là nguồn cung bất động sản tại TP.Hồ Chí Minh được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với Hà Nội.
Trong ngắn hạn, nguồn cung bất động sản tại TP.HCM vẫn chưa thể được giải tỏa hoàn toàn, điều này gây áp lực lớn lên giá bán. |
Theo ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, nguồn cung tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2025 chỉ đạt khoảng 7.000 - 8.000 sản phẩm, thấp hơn nhiều so với 25.000 - 30.000 sản phẩm tại Hà Nội. Nguyên nhân chính của tình trạng này được lý giải bởi các vướng mắc pháp lý kéo dài và hạn chế trong việc triển khai các dự án mới trong thời gian qua.
Sự khan hiếm nguồn cung, cùng với nhu cầu ổn định, sẽ tiếp tục đẩy giá bất động sản tăng cao, đặc biệt ở phân khúc nhà ở trung cấp và cao cấp. Đồng thời, các chuyên gia cũng kỳ vọng vào những chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội và phân khúc bình dân nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, giúp thị trường phát triển cân bằng hơn.
Mặc dù gặp những thách thức về nguồn cung, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh vẫn được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định nhờ vào hành lang pháp lý mới từ các bộ luật sửa đổi có hiệu lực, bao gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ phát triển nhiều dự án tại TP. Hồ Chí Minh đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và các khu đô thị phức hợp. Mức độ hấp thụ dự báo sẽ duy trì ổn định, tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ và trung cấp, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.
Ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt nhận định rằng, TP.Hồ Chí Minh vẫn cần thêm thời gian để quay lại thời kỳ sôi động như giai đoạn 2018 - 2019. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm từ các chu kỳ trước và sự hỗ trợ tích cực từ chính sách, năm 2025 được xem là một bước đệm quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản TP.HCM trong tương lai.