Năm 2024, vùng Đông Nam Bộ ghi nhận kết quả ấn tượng khi đón được trên 73 triệu lượt khách du lịch, tăng 12,6% so với năm 2023. Trong đó, khách nội địa đạt hơn 67 triệu lượt và khách quốc tế đạt 6.723.940 lượt. Tổng doanh thu du lịch toàn vùng đạt 215.178 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm trước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh (thứ 4, từ trái sang). Nguồn ảnh: Báo Bình Phước |
Riêng tỉnh Bình Phước đã tích cực phát triển du lịch thông qua việc liên kết với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM. Tỉnh đã phát triển thành công ba sản phẩm du lịch đặc trưng gồm du lịch về nguồn, du lịch sinh thái rừng và du lịch dã ngoại cuối tuần. Ngoài ra, Bình Phước còn giới thiệu hai sản phẩm du lịch mới là du lịch tâm linh kết hợp thiền và du lịch thiện nguyện tại các điểm du lịch nổi tiếng như Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo và Khu du lịch trảng cỏ Bù Lạch.
Kết quả đạt được trong năm 2024, Bình Phước đã thu hút trên 20 doanh nghiệp lữ hành với 450.000 lượt khách từ nhiều tỉnh thành. Tổng lượt khách đến tham quan đạt 1,5 triệu lượt với doanh thu vượt 1.200 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, định hướng phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ sẽ tập trung vào việc phát triển sản phẩm du lịch vùng, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn ảnh: Báo Bình Phước |
Bình Phước sẽ tổ chức không gian trưng bày văn hóa, du lịch vùng Đông Nam Bộ vào dịp 6/1/2025, đồng thời đặt mục tiêu thu hút 1,7 triệu lượt khách trong năm 2025 và 3,5 triệu lượt khách vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tập trung phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm như đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (tầm nhìn đến 2050) và các dự án hạ tầng trọng điểm, du lịch Bình Phước hứa hẹn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.