Đa dạng hóa và quảng bá hình ảnh sản phẩm du lịch
Năm 2024, An Giang tiếp tục nâng chất sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Điểm nhấn là Làng bè Sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, sản phẩm du lịch mới mẻ, đặc biệt thu hút giới trẻ với vẻ đẹp độc đáo. Cùng với đó, các làng Chăm Châu Phong (Tân Châu) và Đa Phước (An Phú) đã bước đầu khai thác mô hình du lịch cộng đồng, mang đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Chăm địa phương.
Các khu, điểm du lịch nổi tiếng cũng không ngừng cải tiến dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Nổi bật là hoạt động trekking tại Khu du lịch Núi Cấm, khám phá thiên nhiên Rừng tràm Trà Sư, dù lượn tại Khu thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek, và các hoạt động thể thao dưới nước tại Điểm du lịch Cồn Én. Những sản phẩm này đã làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách khi đến với An Giang.
Tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quy mô lớn để quảng bá hình ảnh vùng đất và con người của địa phương. Tiêu biểu như Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế, Diễn đàn Mekong Connect, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ, và các lễ hội truyền thống như Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Đua bò Bảy Núi, và Quản cơ Trần Văn Thành.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Ảnh: Cổng TTĐT AG). |
Điểm sáng lớn nhất trong năm là sự kiện Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ của An Giang mà còn của cả khu vực Nam Bộ, khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Ứng dụng công nghệ và phát triển nhân lực
Công nghệ số đã được An Giang đẩy mạnh ứng dụng trong quảng bá du lịch. Hệ thống du lịch thông minh với Cổng thông tin và Ứng dụng du lịch thông minh đã mang đến sự tiện lợi tối đa cho du khách. Các cuộc thi như Ảnh đẹp du lịch An Giang và Sáng tạo video clip du lịch An Giang đã thu hút nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần quảng bá nét đẹp của tỉnh.
Bên cạnh đó, An Giang chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với nhiều chương trình tập huấn về kỹ năng du lịch, ứng dụng công nghệ, và phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa. Điều này đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, thân thiện và chất lượng cho du khách.
Du khách tham quan Rừng tràm Trà Sư (Ảnh Cổng TTĐT AG). |
Năm 2025, An Giang đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách. Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo Phát triển du lịch, do ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Những giải pháp cụ thể đã được đề ra, tập trung vào việc phát triển sản phẩm mới, tăng cường quảng bá và nâng cấp hạ tầng du lịch.
Với những thành tựu nổi bật trong năm 2024, An Giang không chỉ phục hồi sau đại dịch mà còn từng bước tăng tốc, khẳng định vai trò là điểm đến hàng đầu ở miền Tây Nam Bộ. Tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm mới, mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách trong và ngoài nước.