Với người dân xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, người nông dân đầy nghị lực Lê Thanh Long hay còn gọi là Mười Long là một tấm gương sáng về ý chí vươn lên làm giàu và đặc biệt nhạy bén trong ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Được biết, quê gốc của anh Long ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang nhưng vì cơ duyên nên anh gắn bó với vùng đất Tân Hòa - Tân Lợi, nơi từng có một thời “nước phèn trong thấy đáy kênh”.
Anh Lê Thanh Long xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang |
Anh Long chia sẻ: “Trong lần về thăm Tân Lợi cách đây gần 30 năm, tôi thấy nơi này đất rộng, người thưa, ruộng đồng cò bay thẳng cánh nhưng ít người canh tác. Hỏi thăm mới biết do chất đất ở đây bị phèn nhiều, người dân không trồng lúa được đành bỏ ruộng hoang. Nhận thấy giá đất ở đây khá rẻ so mặt bằng tại huyện Châu Thành thời điểm đó, nên tôi nảy sinh ý định về đây lập nghiệp cùng cây lúa. Sau khi bàn bạc với gia đình, tôi quyết định bán một phần đất lấy vốn vào Tân Lợi này mua 7 ha đất, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình cùng cây lúa”.
Những năm đầu canh tác trên vùng đất phèn chua, anh toàn thua lỗ nhưng khi tiếp cận và triển khai Dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng đã mở ra cơ hội cho Mười Long và nông dân xứ Tân Lợi vươn lên cùng cây lúa. Theo dự án, 3 tuyến kênh T4, T5, T6 nối liền từ kênh Vĩnh Tế băng qua vùng Tứ giác Long Xuyên đi qua tỉnh An Giang, Kiên Giang rồi đổ thẳng ra biển Tây để rửa phèn, làm cho đất ngày càng mầu mỡ và trù phú hơn. Vùng đất Tân Lợi - nơi Mười Long canh tác cũng được hưởng lợi từ dự án.
Đến năm 2017, anh Long đã có 80 ha đất trồng lúa, năng suất trên 6 tấn/ha/vụ. Không chỉ trồng lúa theo phương pháp truyền thống, anh Long còn áp dụng các ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác. Các kỹ thuật sản xuất mới theo Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cùng với những giống lúa chất lượng cao như: Đài thơm 8, OM18, OM5451… đã tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Anh Mười Long còn là người chủ động thực hiện mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”. Ngoài 2 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, anh đầu tư mua 2 thiết bị bay không người lái (drone). Việc sử dụng drone trong quá trình canh tác giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và thuốc hóa học nên đã hạ chi phí sản xuất đáng kể. Nếu trước đây, phải thuê gần 100 lượt nhân công cho các giai đoạn từ làm đất đến thu hoạch, thì nay gia đình anh chỉ cần số ít lao động điều khiển máy cày, máy drone, máy gặt đập liên hợp là đáp ứng yêu cầu. Cách làm này đã giúp gia đình anh tiết kiệm được chi phí sản xuất hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ vươn lên làm giàu từ đất, Mười Long còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương. Hàng năm, anh đóng góp kinh phí xây dựng cầu giao thông nông thôn, sửa chữa đường với kinh phí trên 470 triệu đồng. Ngoài ra, còn phối hợp chính quyền địa phương vận động, trao quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, quà Trung thu cho thiếu nhi… Với những thành tích đạt được trong sản xuất, cùng những đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội tại địa phương, anh Lê Thanh Long là một trong những Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.