Hướng dẫn về điều kiện kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

17:25 03/04/2021

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm đầu tư kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; xúc tiến đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài.

Trong đó, về bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, Nghị định nêu rõ, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có quy định thay đổi ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với nhà đầu tư trước thời điểm văn bản đó có hiệu lực, nhà đầu tư được bảo đảm thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư.

  Đã có hướng dẫn về điều kiện kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ưu đãi đầu tư được bảo đảm theo quy định nêu trên gồm: Ưu đãi được quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác do người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, áp dụng theo quy định của pháp luật; Ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp nêu trên.

Khi có yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Đầu tư, nhà đầu tư gửi văn bản đề nghị cho cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo một trong các giấy tờ sau: Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền cấp có quy định về ưu đãi đầu tư (nếu có).

Văn bản đề nghị gồm các nội dung: Tên và địa chỉ của nhà đầu tư; ưu đãi đầu tư theo quy định tại văn bản pháp luật trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực như loại ưu đãi, điều kiện hưởng ưu đãi, mức ưu đãi (nếu có); nội dung văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư đã áp dụng đối với nhà đầu tư theo quy định nêu trên; đề xuất của nhà đầu tư về áp dụng biện pháp bảo đảm đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan đăng ký đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư, Nghị định quy định: Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, mục tiêu, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hình thức, nội dung bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư theo quy định nêu trên được xem xét áp dụng theo các hình thức: Hỗ trợ một phần cân đối ngoại tệ trên cơ sở chính sách quản lý ngoại hối, khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ; các hình thức bảo đảm khác của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

P.V