Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Kinh nghiệm của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam

05:56 20/07/2022

Đây là chủ đề hội thảo do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA), Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) tổ chức...

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác song phương Việt Nam – Úc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VACPP) giai đoạn 2022 -2023.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng của các địa phương, các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề, một số cơ quan truyền thông cùng các đại diện, chuyên gia của ACCC. Các đại biểu tham dự dưới hai hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến qua ứng dụng họp trực tuyến.

Các đại biểu tham dự dưới hai hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến qua ứng dụng họp trực tuyến.

Tại Hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trải qua hơn 10 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Báo Công Thương)

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Báo Công Thương).

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân; tiếp đó, nhiều Luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số, ...

Từ thực tiễn này cho thấy việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài, ... Vì thế, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Quang cảnh buổi Hội Thảo

Quang cảnh buổi Hội Thảo.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động, kịp thời phối hợp với các Bộ, ban ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan để xây dựng, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật này. Đến thời điểm hiện tại, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Chính phủ (ngày 8/6/2022) xem xét để chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 10/2022.

Bà Dominique Ogilvie – Giám đốc Chương trình hợp tác bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc-NewZealand (CAP) cho biết, Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc sẽ đồng hành và tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng, hoàn thiện, cũng như thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Từ đó, giúp bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo người tiêu dùng Việt Nam được cung cấp thông tin, được trao quyền, được đối xử bình đẳng.

Tham dự Hội thảo, ông Phan Thế Thắng - Phó trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, bà Nguyễn Phương Anh - Phó trưởng Phòng Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cùng các diễn giả đến từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và các chuyên gia của ACCP (Úc) đã chia sẻ, trao đổi các thông tin liên quan đến một số điểm mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (sửa đổi) và những cập nhật gần đây của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng Úc xoay quanh hai chủ đề là bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù và kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ về một số vấn đề thực thi pháp luật khác trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, đối với vấn đề thu hồi sản phẩm có khuyết tật tại Việt Nam, đại diện nhóm nguyên cứu đã trình bày những điểm tóm lược về quy định pháp luật, thực trạng công tác thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bài học kinh nghiệm từ Úc và một số kiến nghị, đề xuất cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong giới nghiên cứu học thuật cũng như đại diện một số nhóm ngành doanh nghiệp cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh chủ đề này.

Theo đó, đa số đều nhận định các quy định liên quan đến thu hồi hàng hóa có khuyết tật ở Việt Nam cần chi tiết và cụ thể hơn, đồng thời kiến nghị việc điều chỉnh một số quy định liên quan đến chính sách pháp luật cũng như cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công tác thu hồi hàng hóa có khuyết tật tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với vấn đề hợp đồng theo mẫu (HĐTM), điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC) trong lĩnh vực viễn thông, đại diện nhóm nghiên cứu cũng đã trình bày tóm lược về các quy định pháp luật về kiểm soát HĐTM, ĐKGDC, cơ chế thực hiện, phạm vi và cách thức kiểm soát cũng như một số kinh nghiệm cụ thể trong hoạt động kiểm soát HĐTM, ĐKGDC trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam và kinh nghiệm thực thi của Úc. Từ đó, có thể nhận thấy những bài học mà Việt Nam có thể học tập từ kinh nghiệm của Úc bao gồm các khái niệm pháp lý, tính minh bạch và cơ chế kiểm soát HĐTM, ĐKGDC.

Ngoài ra, đối với vấn đề về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, đây là một vấn đề mới, thu hút được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu đến từ các Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh chia sẻ về khuôn khổ pháp lý và thực trạng công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam, bài phát biểu về kinh nghiệm của Úc trong công tác thực thi pháp luật về bán hàng theo mô hình kim tự tháp cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Chuyên gia Nicholas Heys – Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc chi sẻ cùng các diễn giả trong phiên thảo luận

Chuyên gia Nicholas Heys – Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc chia sẻ cùng các diễn giả trong phiên thảo luận.

Các chuyên gia của Úc cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm về quy định pháp lý cũng như thực tiễn điều tra, xử lý vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh người tiêu dùng ở Úc. Cùng với đó, một số ý kiến tư vấn, quan điểm của các chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo đối với nội dung đang được quy định trong Dự thảo Luật cũng đã được chia sẻ, thảo luận tại chương trình.

Các khuyến nghị cho Việt Nam được các chuyên gia đưa ra trong Hội thảo, cùng với các ý kiến góp ý khác sẽ tạo thêm góc nhìn, ý tưởng mới để Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) xem xét, cân nhắc bổ sung, hoàn chỉnh nội dung của các quy định trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trước khi trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngân Phương