Vì sao giảm thuế VAT khi muốn phục hồi kinh tế?
Khi một nền kinh tế rơi vào khó khăn, để kích thích tiêu dùng của khu vực dân cư thì một trong những chính sách tài khóa ngắn hạn là giảm thuế VAT. Sự hiệu nghiệm của “toa thuốc” này đã được chứng minh bằng việc không ít nền kinh tế đã áp dụng để đối phó với khủng hoảng Covid-19 như Đức, Ý, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Trung Quốc…
Về nguyên tắc, việc giảm thuế VAT sẽ làm giảm giá cuối cùng của hàng hóa dịch vụ mà người tiêu dùng phải chi trả. Nói cách khác là người tiêu dùng sẽ mua được nhiều hơn so với cùng một số tiền trước đây, hay cùng một số lượng hay dịch vụ thì số tiền phải trả là ít hơn. Và hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn là một trong những lý do quan trọng khiến cho động lực tiêu dùng tăng lên.
Mới đây Việt Nam cũng ban hành quy định giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% để kích thích tiêu dùng, nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế. Chính sách này đối với Việt Nam cũng không phải là mới vì vào năm 2009 đã được áp dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Còn quá sớm để đánh giá được hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT của Việt Nam, mà cũng không biết là có nghiên cứu đánh giá nào sẽ được thực hiện hay không.
Việc đánh giá hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT trong lần đương đầu với Covid-19 ở các nước áp dụng vẫn chưa có tổng kết nhưng một số kinh nghiệm trước mắt đã được rút ra. Chẳng hạn như ở Anh, việc giảm thuế VAT chỉ hiệu quả khi áp dụng đúng thời điểm – khi giãn cách được nới lỏng, tập trung vào hai nhóm ngành là du lịch và dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, việc giảm thuế VAT ở Đức đã thúc đẩy việc tiêu dùng hàng hóa lâu bền, và nhóm dân số trẻ tuổi, có tài sản ròng thấp đã có phản ứng tích cực nhất.
Nhưng giảm thuế VAT lại có những mặt trái
Giảm thuế VAT thường được kỳ vọng là cơ chế chuyển toàn bộ phần thiệt hại của ngân sách sang lợi ích của người tiêu dùng (pass through), tuy vậy có những lúc điều này lại không như mong đợi. Như một trường hợp trước đây ở Phần Lan, khi thuế VAT dịch vụ cắt tóc giảm từ 22% xuống còn 8% nhưng bên cung cấp dịch vụ chỉ giảm giá có một nửa phần lẽ ra phải giảm cho khách hàng khi thuế giảm. Chẳng hạn giảm thuế thì người tiêu dùng được giảm 10 đồng, nhưng bên cung cấp dịch vụ chỉ giảm có 5 đồng. Như vậy hóa ra giảm thuế VAT nhưng người tiêu dùng không được hưởng hết, mà bên cung cấp dịch vụ lại có lợi trong trường hợp này.
Với trường hợp của Việt Nam mới đây, mặt trái thấy được ngay là chi phí tuân thủ thuế và chi phí quản lý thuế bị tăng lên.
Tuy đã áp dụng chính sách mới từ ngày 1-2-2022, nhưng đến nay hệ thống văn bản hướng dẫn chưa được hoàn thiện. Tới ngày 16-2-2022, Tổng cục Thuế mới tổ chức hội thảo trực tuyến hướng dẫn các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp sẽ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và chính sách mới sẽ khiến cho họ mất rất nhiều thời gian để tuân thủ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng và chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp do khó xác định chính xác nhóm mặt hàng được giảm thuế, do có hàng ngàn sản phẩm được lưu thông mỗi ngày.
Một hệ lụy khác liên quan tới khiếu kiện và giải quyết các tranh chấp phát sinh nếu có, giữa doanh nghiệp và và khách hàng, do doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi về mức thuế suất áp dụng cho từng sản phẩm hoặc giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn.
Liên quan đến chi phí quản lý thuế, trong thời gian này cán bộ thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp sẽ chịu rất nhiều áp lực. Áp lực đến từ việc tuân thủ chủ trương chính sách, đảm bảo hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật về thuế. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi cơ quan thuế có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cán bộ thuế được tập huấn cho các tình huống phát sinh, trước khi chính sách có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều này không xảy ra. Dưới góc độ đánh giá của doanh nghiệp, hình ảnh của cơ quan thuế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, nếu cán bộ thuế không cung cấp văn bản hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể chính xác và kịp thời.
Còn quá sớm để đánh giá được hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT của Việt Nam, mà cũng không biết là có nghiên cứu đánh giá nào sẽ được thực hiện hay không. Hiệu quả của chính sách giảm thuế còn phụ thuộc vào mức thuế suất được giảm, những mặt hàng và dịch vụ nào được áp dụng, thời điểm áp dụng, và được áp dụng trong bao lâu. Như trường hợp của nước Đức áp dụng nửa cuối năm 2020 là cho cả hai nhóm thuế suất, từ 19% xuống 16% và từ 7% xuống 5%. Trong khi đó, Việt Nam chỉ giảm cho nhóm 10%, và không phải cho tất cả các mặt hàng, dịch vụ.
Trước mắt, chỉ mong rằng cơ quan thuế các cấp hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách mới, và cùng với đó là trang bị những điều kiện cần thiết để những người thi hành ở cấp cơ sở, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp hoàn thành tốt chức trách của mình.
Võ Đình Trí, IPAG Business School Paris và trường Đại học Kinh tế TPHCM
Trần Anh Tú, trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Theo thesaigontimes.vn