Gỡ khó cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa

16:09 21/10/2022

Một giải pháp cấp bách được luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), đề xuất cần phải làm ngay là gỡ khó cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Ảnh minh họa

Liên quan đến giải bài toán tiếp cận vốn tín dụng, theo chuyên gia, câu chuyện khó tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không mới, thậm chí đã được đề cập tìm giải pháp từ nhiều năm nay. Nhiều doanh nghiệp đề xuất cần chính sách để tiếp cận nguồn vốn tín chấp từ NH với những dự án được đánh giá khả thi, có triển vọng, có doanh thu, vì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ yêu cầu về tài sản thế chấp là rất khó.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cũng cho rằng, cần thay đổi cơ chế hoạt động quỹ, điều này là vô cùng cần thiết để quỹ có năng lực nâng cao giá trị, hạn mức bảo lãnh cho doanh nghiệp. Qua đó tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng với quy mô, hạn mức cao hơn.

Nhiều năm trước, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước ra đời và hoạt động mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với sự góp vốn của ngân sách và một số tổ chức tín dụng. Đây được xem là "bệ đỡ" góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tuy nhiên hiện tại, mô hình này đã ngừng bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chỉ còn tư vấn và đào tạo. Điều này, theo chuyên gia, là "quá lãng phí" trong khi doanh nghiệp rất cần để tiếp cận được vốn tín dụng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện còn 25 Quỹ BLTD doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động trên cả nước. Đến nay, chỉ có một số Quỹ BLTD có quy mô vốn từ 100 tỷ đồng, trong khi hầu hết các quỹ khác đều chỉ có vốn điều lệ từ 4 -10 tỷ đồng. Quy mô vốn nhỏ dẫn đến giá trị vốn bảo lãnh thấp, doanh số bảo lãnh thấp, thiếu hiệu quả so với nhu cầu của doanh nghiệp và kỳ vọng khi có Nghị định 34/2018.

Tính lũy kế từ 2002 đến cuối năm 2021, doanh số bảo lãnh của các Quỹ BLTD trên toàn quốc mới chỉ đạt khoảng gần 4.770 tỷ đồng với khoảng trên 2.450 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các TCTD.

Trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đến giờ ngay cả TP.HCM cũng chưa có quỹ này, nên cần sớm đẩy mạnh thành lập, đưa vào hoạt động. Nếu được, có thể nhập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa làm một để nhẹ bộ máy, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Việc tái cơ cấu vốn của quỹ, hiện theo quy định, phải tuân thủ Nghị định 34. Theo Điều 40 Nghị định 34, nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng được hình thành từ các nguồn sau: Vốn điều lệ do địa phương cấp, Vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ theo quy định; Vốn hình thành từ các khoản tài trợ, viện trợ, đóng góp không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho Quỹ BLTD; Vốn nhà nước khác theo quy định của pháp luật…

Theo ông Hưng, thực tế, quỹ cơ bản vẫn phụ thuộc vào vốn điều lệ được tỉnh bố trí ban đầu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết khi Nghị định 34 chính thức có hiệu lực, hoạt động huy động vốn của các quỹ này thông thoáng hơn vì họ được phép huy động vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước và huy động các nguồn lực xã hội hóa, bên cạnh các khoản từ ngân sách địa phương. Hiện việc “xã hội hóa” nguồn vốn chủ yếu đến từ đóng góp của các ngân hàng.

Chuyên gia cho biết, các ngân hàng thường sẽ có ngân sách phù hợp để tham gia đóng góp cho quỹ địa phương. Song nếu muốn mở rộng nâng cao nguồn vốn để tăng năng lực hoạt động của quỹ, thì nên mở rộng ra ngoài ngân hàng, tránh quỹ khi phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng cũng có thể bị kiểm soát lợi ích chi phối từ chính các cổ đông, nhà tài trợ là ngân hàng. Nâng cao hoạt động kiểm soát chéo hoạt động Hội đồng thẩm định tín dụng quỹ từ các chuyên gia, tổ chức độc lập là cần thiết. 

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai-cho biết: “Có tới 97% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết đều muốn được hỗ trợ về vốn để hoạt động
Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai: “Có tới 97% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết đều muốn được hỗ trợ về vốn để hoạt động". 

Ông Hưng dẫn đề xuất của VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Hiệp hội DN du lịch Việt Nam về việc Chính phủ nên thành lập một Quỹ bảo lãnh tín dụng Quốc gia với quy mô vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, hợp nhất sức mạnh theo hướng các quỹ địa phương như hệ thống chi nhánh và có các cơ chế bổ sung nguồn lực từ các quỹ dự trữ, tái cấp vốn để tăng quy mô vốn điều lệ, giúp hệ thống quỹ hoạt động hiệu quả hơn.

Theo chuyên gia, đây là đề xuất cần xem xét, nghiên cứu và có thể tham khảo mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc (KODIT) để triển khai cho quỹ này.

KODIT có 1 trụ sở chính, 9 cơ sở địa phương, 109 chi nhánh và 2536 nhân viên tại Hàn Quốc. Lĩnh vực hoạt động chính của KODIT gồm: Bảo lãnh tín dụng cho các đối tượng DNNVV có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hạn mức bảo lãnh từ 2,6 triệu USD (thông thường) đến 8,6 triệu USD (cao nhất). Tỷ lệ bảo lãnh: 70% - 85%, dựa theo cấp bậc tín dụng và thời gian bảo lãnh. Tỷ lệ phí bảo lãnh: 0,5% - 3,0%, dựa theo cấp bậc tín dụng và tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Một lĩnh vực khác trong hoạt động của Quỹ là bảo hiểm tín dụng, giúp bảo vệ nhằm tránh những thiệt hại về tài chính cho DNNVV; Giảm thiệt hại bán hàng thông qua việc bồi thường lên tới 80% đối với khoản tiền khách hàng không trả hoặc không có khả năng trả; Tăng doanh số bán hàng, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm (người bán) và người mua có thể giao dịch tín dụng lâu dài, từ đó giúp tăng doanh số bán hàng của người tham gia bảo hiểm; Tăng hiệu quả quản lý rủi ro: Dịch vụ bảo hiểm cho phép người tham gia bảo hiểm có thể biết tình trạng tín dụng của người mua.

Tính đến cuối năm 2021, KODIT đã bảo lãnh cho 134 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với số tiền nhận bảo lãnh là 214,9 tỷ won (tương đương 4.054,7 tỷ đồng).

Bình Phương