Gia tăng tai nạn lao động ngành xây dựng: Ai đền bù được mạng sống?

00:00 12/10/2020

Nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng làm chết người đã không bị xử lý nghiêm, nên việc bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) bị xem thường. Vụ việc xảy ra hôm 20/8 càng khiến mọi người lo ngại hơn, và khẳng định cần có những biện pháp hạn chế thực tế buồn này.

Hiện trường đứt cáp cẩu trục tại Dự án The Sun Mễ Trì.

Phó mặc sinh, tử

Ngày 20/8, khi công nhân thuộc dự án tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ nhà trẻ và căn hộ The Sun trên đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) đang thi công xây dựng, bất ngờ sợi cáp của cẩu trục bị đứt, làm nhiều vật liệu xây dựng từ trên cao rơi xuống khu nhà điều hành. Vụ tai nạn xảy ra làm ít nhất 1 người bị thương phải đưa đi cấp cứu.
Trước đó, vào trung tuần tháng 7, bà Vũ Thị Minh Ngọc (ngõ 55 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) bức xúc, hoảng loạn khi nhiều viên gạch to từ dự án chung cư HDI Tower làm vỡ mái tôn, trần nhà rơi xuống giường ngủ. Rất may, không thiệt hại về người. Nhưng đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc này, công trình từng làm rơi một thanh sắt dài đâm thủng mái nhà. Lần nào xảy ra sự việc, phía chủ đầu tư cũng làm bản cam kết bảo đảm an toàn, nhưng tính mạng của người dân vẫn… ngàn cân treo sợi tóc.

Những vụ việc trên tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về tình hình mất ATLĐ tại các công trình xây dựng. Theo thống kê, trên phạm vi cả nước cứ 3 ngày lại có một người chết vì TNLĐ. Tai nạn về thi công xây dựng hiện đang đứng thứ 2 về số người chết, sau TNGT. Nguy hiểm là vậy, song người lao động rất thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân, cũng không nhận được sự quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Thậm chí, còn có dấu hiệu bưng bít thông tin tai nạn để giữ hình ảnh dự án.
“Tại các công trình xây dựng, người ta nhấn mạnh cần bảo đảm ATLĐ nên phong tỏa rất chặt, người lạ không được nhìn hoặc tiếp xúc với quá trình xây dựng. Tôi còn nhớ trong thời gian thi công dự án ở Nguyễn Xiển, một công nhân (không đồ bảo hộ) bị rơi từ tầng 5 xuống đất, tử vong tại chỗ. Chỉ chục phút sau khi TNLĐ xảy ra, cơ quan chức năng có mặt lập biên bản qua loa. Việc còn lại đơn vị thi công thỏa thuận bồi thường để gia đình viết đơn bãi nại. Càng ít người biết tới tai nạn càng dễ sắp xếp. Việc giấu nhẹm thông tin, không muốn báo chí và người dân biết về các sự cố TNLĐ đang diễn ra ở không ít công trình” – một kỹ sư xây dựng (xin giấu tên) chia sẻ.
Kiểm định kiểu… hình thức
Theo giới chuyên gia xây dựng, tổng thể một dự án “chuẩn”, việc tổ chức biện pháp thi công bao giờ cũng quan tâm đến đảm bảo chất lượng công trình, chất lượng công nhân, chất lượng vật liệu và quy trình thi công. Vì lẽ đó, tại công trường xây dựng buộc phải hình thành bộ phận ATLĐ để kiểm định, giám sát trang thiết bị kỹ thuật, đồ bảo hộ lao động công nhân, kỹ thuật an toàn thi công. Tất cả các quy trình được kiểm soát chặt chẽ, khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, ngay lập tức báo động hoặc được sửa chữa.
Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vận hành theo chu trình ngược: Xảy ra sự cố mới tức tốc kiểm định thiết bị lẫn trách nhiệm giám sát. Bàn về sự cố đứt cáp cẩu vừa xảy ra, PGS.TS Trần Chủng – Trưởng Ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam thẳng thắn: “Có dấu hiệu buông lỏng khâu kiểm định”.

Vị này phân tích, kiểm định giống như một lá phiếu thông hành cho các trang thiết bị xây dựng. Trường hợp này phải trả lời được câu hỏi đã kiểm định hay chưa? Nếu có kiểm định theo nội dung nào? Tổ chức đứng ra kiểm định có giấy chứng nhận chuyên môn chưa? Có hay không việc thiết bị chưa được kiểm định vẫn cho qua theo hình thức “lót tay” mua - bán. Không loại trừ nghi vấn lỗi vận hành của công nhân lái cẩu. Cần thành lập bộ phận điều tra xem nguyên nhân mất ATLĐ, phạt thật nghiêm người chịu trách nhiệm để có bài học răn đe. Nếu không, vòng luẩn quẩn đau thương sẽ tái lập.
Từ góc độ người tư vấn luật, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW chia sẻ, khi TNLĐ xảy ra, người lao động tử vong đều có công an vào cuộc. Cũng có trường hợp khởi tố hình sự, khởi tố bị can đối với chủ thầu xây dựng, chuyển viện kiểm sát truy tố trước tòa án để xét xử và có nhiều trường hợp chủ thầu xây dựng đã bị phạt tù.

Nhưng trong các vụ án đó, ngay thời gian công an điều tra, chủ thầu xây dựng cũng đã phải chi trả cho gia đình nạn nhân thiệt mạng các khoản tiền, mong được giảm nhẹ hình phạt (thường là phạt tù giam). Tuy nhiên, thực tế chua xót ai cũng hiểu, không gì có thể đền bù được mạng sống. Hiện nay, dường như ngày nào cũng xảy ra tai nạn, cướp đi sinh mạng của nhiều công nhân là hồi chuông cảnh tỉnh về việc không tuân thủ nghiêm chỉnh quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ LĐTB&XH, năm 2016 cả nước xảy ra hơn 7.900 vụ TNLĐ, làm 8.251 người bị nạn, trong đó 862 người chết, 1.952 người bị thương. Lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ nhất là xây dựng, chiếm gần 24% tổng số vụ và gần 25% tổng số người chết. Năm 2017, số người chết do TNLĐ tăng lên với 928 người. Số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên là 101 vụ. Trong khu vực có quan hệ lao động, hơn 45% vụ TNLĐ xuất phát từ lỗi của người sử dụng lao động. Sau mỗi TNLĐ xây dựng, chúng ta lại ồn ào quan tâm và ra chỉ thị, nghị quyết được một thời gian rồi chìm vào quên lãng. Trong khi đó, công tác ATLĐ xây dựng phải thiết lập thói quen kiểm tra và đôn đốc liên tục. Giống như chúng ta đi máy bay, phổ biến các điều kiện bay an toàn trở thành thông lệ quốc tế không phá vỡ. Vì sao? Bởi liên quan đến mạng sống, không bao giờ là thừa.

Trưởng ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng

Vân Hằng