![]() |
Dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại do nguồn cung hạn chế |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024 nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo với 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá trị. Về đơn giá, năm 2024 nước ta đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm 2023.
Từ đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm và hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu tháng 2/2025, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp không khỏi lo lắng.
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường gạo thế giới vừa đi qua giai đoạn giao dịch chậm so với chu kỳ hàng năm. Sự đảo chiều của giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu từ cuối năm 2024 được nhận định là do dư cung trên thị trường.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024 - 2025 dự báo đạt mức kỷ lục 532,66 triệu tấn, cao hơn gần 10 triệu tấn so với niên vụ trước.
Trong khi các nước nhập khẩu lớn như Indonesia, Philippines đang tạm ngưng, giảm bớt, hoặc trì hoãn mua hàng để theo dõi diễn biến giá thì sản lượng gạo từ các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, đặc biệt là Ấn Độ lại tăng mạnh. Sản lượng gạo của 4 quốc gia cung cấp gạo trên thế giới là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đều tăng so với niên vụ trước. Riêng sản lượng của Ấn Độ đạt 145 triệu tấn, tăng 7,2 triệu tấn so với năm trước, khiến nguồn cung thế giới trở nên dư thừa. Điều này khiến cho giá gạo liên tục lao dốc và đánh mất “thời kỳ hoàng kim”.
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 18/2 cho hay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn, thấp hơn cả thời điểm ngày 6/1. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn.
Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ đa số trên 400 USD/tấn. Như vậy, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu, gồm Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan.
Báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Công Thương cho biết, ước sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... là khoảng 8,9 triệu tấn. Lúa hàng hóa ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,542 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cần có cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa và các thương lái được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiện nay, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Philippines, Indonesia và Trung Quốc, nhưng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần mở rộng sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông - những thị trường có nhu cầu cao về gạo chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp đảm bảo sản lượng ổn định trong tương lai. Việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường là yếu tố sống còn để phát triển bền vững.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đưa ra dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 đạt 7,5 triệu tấn. Hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất lo lắng, vì số đơn hàng giảm rất mạnh, có những doanh nghiệp cho biết không có đơn hàng nào ký kết cho thời gian xuất khẩu trong tháng 2.
Theo VFA, Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch đông xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu đang tạm dừng mua hàng để chờ mua với giá thấp hơn.
Cho rằng giá gạo điều tiết theo cung cầu, nhưng VFA cho hay, gạo thơm và chất lượng cao vẫn có thị trường riêng, nên giá các loại gạo này vẫn không giảm. Nhiều doanh nghiệp vẫn xuất khẩu được gạo thơm, gạo đặc sản với giá 800 - 1.200 USD/tấn. Hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25 với giá hơn 1.000 USD/tấn.
Mặc dù giá gạo tẻ xuất khẩu đã xuống dưới mức 400 USD/tấn trong tháng 1/2025, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của tháng vẫn trên mốc 600 USD/tấn, là nhờ sức kéo của gạo thơm và gạo đặc sản.
Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cũng nhận định, thị trường gạo thời gian qua đang là cuộc "đấu tranh tâm lý" giữa người mua và bán. Cuộc đấu tranh này chỉ mang tính thời điểm ngắn hạn vì nhu cầu thực tế của các nước nhập khẩu rất lớn.
Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2025 vẫn là Philippines. Đây cũng là khách hàng chủ lực của Việt Nam. Bình quân mỗi tháng thị trường này phải nhập khẩu đến 350.000 tấn gạo mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mặc dù Philippines đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung từ Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ nhưng thị trường Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng. Một thị trường quan trọng khác đó là Trung Quốc. Theo các chuyên gia, nguồn cung gạo cho Trung Quốc đến từ Thái Lan và Việt Nam chứ không phải là Ấn Độ.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Công Thương cho biết, dự báo sản lượng lúa cả nước năm 2025 ước đạt 43,14 triệu tấn, giảm 323.000 tấn so với năm 2024. Trong đó, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến sản xuất 3,77 triệu ha lúa, năng suất bình quân 63,4 tạ/ha, sản lượng đạt gần 24 triệu tấn. Sau khi trừ tiêu thụ nội địa, giống và thức ăn chăn nuôi, lượng lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu ước đạt 15,08 triệu tấn, tương đương 7,54 triệu tấn gạo.
Trong báo cáo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Bộ Công Thương đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn (tháng 2, 3, 4, 7, 8 và 9) để tránh tồn đọng. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp.
Với diễn biến này, giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ sớm tăng trở lại. Tuy không cao như năm ngoái nhưng ít nhất cũng sẽ trong khoảng từ 435 - 450 USD/tấn với loại gạo thông dụng 5% tấm. Các loại gạo thơm, chất lượng cao, gạo đặc sản vẫn sẽ tiêu thụ tốt.
Trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, đòi hỏi ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025. Theo đó, về thị trường xuất khẩu, chú trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đồng thời, cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường châu Á mà cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản…