Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) dự kiến được phê chuẩn và có hiệu lực trong năm 2019. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ từ EU, bởi đây là một trong những trung tâm công nghệ nguồn của cả thế giới.
Tuy nhiên, theo lo ngại của nhiều chuyên gia, bên cạnh cơ hội nhận chuyển giao công nghệ tới từ các nước EU, một thách thức không nhỏ đặt ra đối với Việt Nam đó chính là việc công nghệ thấp sẽ tràn vào Việt Nam, biến Việt Nam thành đất nước chuyên gia công.
TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, “Việt Nam có tận dụng được EVFTA hay không, tùy thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị như thế nào, khai thác cơ hội ra sao và chúng ta đối mặt với thách thức như thế nào”.
TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ. Ảnh: VOV.
Và để tránh trở thành nơi nhập khẩu những thiết bị công nghệ thấp, theo TS. Ngô Tự Lập “Đầu tiên chúng ta cần hành lang pháp lý, quy định rõ ràng. Thứ hai là yếu tố con người. Trong trường hợp này là những người thực thi pháp luật, người quản lý, bởi đây chính là đối tượng cho phép doanh nghiệp nhập vào những gì. Việt Nam cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ đội ngũ quản lý tránh trường hợp nhập “bừa” công nghệ vì lợi ích riêng”.
Ông Alan Ho, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Tibco lại cho rằng “Việt Nam sẽ không trở thành điểm tập kết công nghệ thấp. Hiện Việt Nam đang được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng phát triển công nghệ chứ không chỉ là một nước gia công phần mềm”.
“Trong quá trình hợp tác với các kỹ sư công nghệ thông tin người Việt, chúng tôi đánh giá rất cao những kỹ năng của họ, đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo. Khi được tiếp cận với công nghệ mới, họ có thể khẳng định bản thân đối với các đối tác khắp nơi trên thế giới”, ông Alan Ho cho hay.
“Để tận dụng tốt “cánh cửa mở” châu Âu, cần có vai trò như một “nhạc trưởng” của Chính phủ giúp hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt đạt hiệu quả cao. Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh về nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trẻ có tài năng và sẵn sàng làm việc quên mình và luôn luôn khao khát cái mới”, TS. Lập nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam “Make in Vietnam” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định quyết tâm phát triển và làm chủ công nghệ của Việt Nam.
Ông Alan Ho, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Tibco. Ảnh: VOV.
“Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một nghiên cứu về lợi ích từ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với nền kinh tế Việt Nam cho thấy, nếu áp dụng những công nghệ mới, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tạo được thêm 30 - 60 tỷ USD đến năm 2030.
Chính phủ đã và đang đề ra rất nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính… Trong năm 2019, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia sẽ được công bố, từ đó sẽ tạo thị trường cho doanh nghiệp công nghệ sáng tạo và phát triển.
Theo VOV