![]() |
EU siết chặt quản lý ngành thời trang nhanh và lãng phí thực phẩm. |
Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận áp đặt các quy định toàn diện mới về chất thải thực phẩm và dệt may, buộc các công ty phải chịu chi phí thu gom và xử lý, và thay đổi cơ chế kinh tế của các nền tảng thương mại điện tử hoạt động trên khắp châu lục.
Theo đó, thỏa thuận tạm thời sẽ đưa ra các mục tiêu ràng buộc pháp lý về cắt giảm lãng phí thực phẩm, và buộc các nhà sản xuất phải chi trả chi phí thu gom, phân loại và tái chế hàng dệt may, sau các cuộc đàm phán giữa Nghị viện và Hội đồng châu Âu kết thúc vào đêm thứ Ba (18/2).
Các biện pháp này sẽ đặt thêm gánh nặng tài chính và quy định lên doanh nghiệp, bao gồm các thương hiệu thời trang nhanh và nhà bán lẻ trực tuyến, trong bối cảnh ngành công nghiệp tiêu dùng đang chịu sự giám sát ngày càng gay gắt về tác động môi trường.
Cụ thể, các quốc gia thành viên EU phải cắt giảm 10% lượng chất thải thực phẩm trong sản xuất và chế biến thực phẩm, và 30% bình quân đầu người trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình vào cuối năm 2030, so với mức trung bình của giai đoạn 2021-2023.
Các doanh nghiệp thực phẩm lớn cũng sẽ được yêu cầu tạo điều kiện để quyên góp thực phẩm không bán được nhưng vẫn an toàn để ăn, nhằm giảm thiểu lãng phí không cần thiết.
Ngành công nghiệp thực phẩm tạo ra gần 60 triệu tấn chất thải hàng năm tại EU, trong khi ngành dệt may đóng góp 12,6 triệu tấn. Cộng lại, hai ngành này đang chiếm một phần đáng kể trong tổng lượng chất thải đô thị và công nghiệp, cũng như lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất và xử lý.
FoodDrinkEurope, nhóm vận động hành lang công nghiệp có trụ sở tại Brussels, cho biết: "Các mục tiêu này là yếu tố thiết yếu trong cam kết của chúng tôi nhằm giảm một nửa lượng lãng phí thực phẩm trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Quan trọng là các mục tiêu cần linh hoạt để phản ánh sự dao động trong sản lượng thực phẩm, tính toán lượng chất thải trên mỗi tấn thực phẩm sản xuất".
Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng sẽ phải đối mặt với các nghĩa vụ nghiêm ngặt hơn về chất thải. Tất cả các nhà sản xuất dệt may — dù có trụ sở tại EU hay bán hàng thông qua thương mại điện tử — phải tài trợ cho việc thu gom, phân loại và tái chế sản phẩm của họ thông qua các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), với thời hạn 30 tháng kể từ khi chỉ thị có hiệu lực. Các doanh nghiệp nhỏ, sử dụng ít hơn 10 nhân viên, sẽ có thêm 12 tháng để tuân thủ.
Trong một động thái nhắm trực tiếp vào ngành thời trang nhanh, các nhà đàm phán đồng ý rằng các mô hình kinh doanh thời trang siêu nhanh cũng cần được tính đến khi xác định mức đóng góp tài chính theo chương trình EPR.
Trước đó, vào ngày 5 tháng 12 năm 2023, Nghị viện Châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã thông qua quy định cấm tiêu hủy quần áo tồn kho nhằm hạn chế xu hướng thời trang nhanh và giảm thiểu rác thải. Theo quy định này, các doanh nghiệp lớn sẽ phải báo cáo hàng năm về lượng sản phẩm bị loại bỏ và lý do, nhằm khuyến khích họ từ bỏ các hành vi lãng phí. Lệnh cấm này được miễn áp dụng trong 6 năm đối với các doanh nghiệp vừa và hoàn toàn miễn trừ cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, vào tháng 10 năm 2024, một nhóm các nhà bán lẻ thời trang hàng đầu tại Tây Ban Nha, bao gồm Inditex, H&M, Decathlon, Ikea và Primark, đã khởi động chương trình thí điểm thu gom riêng biệt rác thải quần áo và giày dép. Chương trình này, dự kiến bắt đầu vào tháng 4 năm 2025, nhằm chuẩn bị cho các quy định của EU yêu cầu tách biệt rác thải dệt may vào năm 2026. Hiện tại, chỉ có 12% rác thải quần áo tại Tây Ban Nha được thu gom riêng, trong khi 88% còn lại bị chôn lấp. Mỗi người dân Tây Ban Nha thải ra khoảng 20 kg quần áo mỗi năm.
Mặc dù không có hình phạt cụ thể cho việc sản xuất hàng loạt quần áo có vòng đời ngắn, chi phí tuân thủ dự kiến sẽ chủ yếu đè nặng lên các công ty đang chiếm lĩnh thị trường với các sản phẩm thời trang giá rẻ dùng một lần.
![]() |
Theo thỏa thuận này của EU, ngành công nghiệp dệt may, với sản lượng rác thải hàng năm lên tới 12,6 triệu tấn, sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn. |
Bà Anna Zalewska, nhà đàm phán chính của Nghị viện châu Âu, cho biết thỏa thuận sẽ "đảm bảo rằng các nhà sản xuất đóng góp vào việc thu gom, phân loại hiệu quả các sản phẩm dệt may mà họ sản xuất", đồng thời hạn chế gánh nặng thủ tục hành chính cho các công ty và quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, nhóm vận động Zero Waste Europe cho rằng thỏa thuận này là thiếu tính răn đe, lập luận rằng mục tiêu cắt giảm 10% trong sản xuất và chế biến thực phẩm lẽ ra phải cao hơn nhiều, và còn xa so với cam kết của Liên Hợp Quốc về việc cắt giảm 50% lãng phí thực phẩm trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đối với các nền tảng thương mại điện tử, thỏa thuận này đánh dấu một sự thay đổi lớn về quy định. Các nhà bán lẻ trực tuyến, bao gồm cả những công ty có trụ sở bên ngoài EU nhưng bán hàng vào khối, sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ tương tự như các doanh nghiệp truyền thống.
Dù vậy, điều này có thể tạo ra thách thức trong việc thực thi, do sự gia tăng của các nền tảng thời trang nhanh có trụ sở tại Trung Quốc, Anh và Mỹ, vốn vận chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng châu Âu. Thỏa thuận vẫn cần được sự phê chuẩn chính thức từ cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu, nhưng với sự ủng hộ chính trị đã đạt được trong các cuộc đàm phán, quy định này được kỳ vọng là sẽ sớm được thông qua.