![]() |
Trung Quốc chỉ trích “cú sốc thuế quan” của Mỹ tại WTO. |
Các mức thuế quan áp đảo mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hoặc đã áp dụng có nguy cơ kích hoạt lạm phát, làm gián đoạn thị trường, và thậm chí là suy thoái toàn cầu, Trung Quốc cho biết vào hôm thứ Ba (18/2) tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Sau khi tái nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump đã áp thêm mức thuế 10% lên các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, vào tuần trước, Tổng thống Mỹ cũng đã ký sắc lệnh áp thuế mới 25% lên thép và nhôm nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực từ ngày 12/3 tới. Vào hôm thứ Ba (18/2), ông Trump còn cho biết thuế quan của Mỹ đối với xe nhập khẩu sẽ vào khoảng 25%, với thông tin cụ thể về các mức thuế dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2/4.
Sau một loạt các động thái quyết liệt từ phía Mỹ, ông Li Chenggang, đại sứ Trung Quốc tại WTO, phát biểu tại Đại hội đồng WTO: "Thế giới đang đối mặt với một loạt cú sốc thuế quan. Mỹ đã áp đặt hoặc đe dọa áp thuế lên các đối tác thương mại, bao gồm Trung Quốc, một cách đơn phương và tùy tiện, vi phạm trắng trợn các quy tắc WTO. Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp này”.
Ngoài ra, ông Li Chenggang cũng bổ sung: “Những cú sốc thuế quan này làm gia tăng bất ổn kinh tế, gây rối loạn thương mại toàn cầu, và có nguy cơ dẫn đến lạm phát trong nước, gián đoạn thị trường, hoặc thậm chí là suy thoái toàn cầu". Ông nói rằng chủ nghĩa đơn phương của Mỹ đe dọa làm đảo lộn nguyên tắc của hệ thống thương mại đa phương.
Việc áp thuế trừng phạt lên các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ là trọng tâm trong chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump. Dù vậy, ông Trump đã tạm dừng mức thuế 25% đối với Canada và Mexico trong một tháng, sau khi cả hai nước cam kết tăng cường các biện pháp ngăn chặn dòng chảy ma túy fentanyl và người nhập cư không giấy tờ vào Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thổng Donald Trump vẫn tiếp tục áp thuế lên Trung Quốc, và nước này đã đáp trả bằng các biện pháp trả đũa nhắm vào than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.
Ông Li Chenggang nói: "Chúng ta không thể bỏ qua nguyên nhân gốc rễ của sự hỗn loạn thương mại hiện nay và mối đe dọa đối với tất cả các thành viên: đó là các biện pháp thuế quan tùy tiện và đơn phương của Mỹ". Ông kêu gọi Washington dỡ bỏ thuế quan và "tham gia đối thoại đa phương dựa trên sự bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau".
Ngoài ra, một quan chức thương mại tại Geneva cho biết Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đang vận hành một hệ thống kinh tế phi thị trường và thường xuyên vi phạm các quy tắc của WTO. Cụ thể, vị quan chức này cho biết: "Mỹ nhấn mạnh các vấn đề phát sinh từ việc Trung Quốc thiếu minh bạch và coi thường sự giám sát của WTO. Mỹ cũng chỉ ra rằng việc WTO hiện không có khả năng giải quyết các chính sách làm gián đoạn thị trường của Trung Quốc, chẳng hạn như trợ cấp không công bằng, đã làm giảm đáng kể hiệu quả của tổ chức này".
Tổng giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, đã kêu gọi 166 thành viên của tổ chức này giữ "bình tĩnh" và tiếp tục đối thoại với nhau. Bà cho biết: "Thế giới đã thay đổi. Chúng ta không thể đến đây để tiếp tục làm những điều tương tự như trước đây".
Bên cạnh đó, vị cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria này cũng kêu gọi các quốc gia sử dụng bối cảnh thương mại mới như một "điểm uốn" để thúc đẩy các cải cách lâu nay tại WTO.