Thứ sáu 20/09/2024 08:01
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Dừng dùng quỹ đất thanh toán dự án BT: Gỡ thế nào?

12/10/2020 00:00
Đất đai là tài sản công, việc quản lý tài sản công phải được thực hiện theo quy định mới, công khai, minh bạch và đấu thầu các công việc.
aa

Bộ Tài chính vừa đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT.

Theo Bộ Tài chính, quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì từ ngày 1/1/2018 đã không còn áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015 của Thủ tướng quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư với 5 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT, và thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư.

Theo lý giải của Sở KH-ĐT TP Hà Nội, đây là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND TP báo cáo và Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT, cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Sở KH-ĐT Hà Nội cũng khẳng định việc thực hiện các dự án BT đều tuân thủ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ 1/1/2018 nghĩa là về mặt nguyên tắc, những dự án chưa có chữ ký của cấp có thẩm quyền thì dừng hẳn, nếu ký rồi nhưng chưa triển khai cũng có thể dừng luôn.

Trường hợp dự án đã triển khai nhưng chưa đâu vào đâu, chưa tương xứng thì phải xem lại để định giá lại tài sản, thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương sẽ phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các dự án đó để tài sản công không bị thất thoát, chỉ định thầu cho chuẩn xác.

Một dự án làm đường bằng hợp đồng BT được triển khai tại Hà Nội. Ảnh: Infonet

Cũng theo vị chuyên gia, việc đổi đất lấy hạ tầng đã xuất hiện ở TP.HCM cách đây nhiều năm, nhưng trong quá trình thực thi xuất hiện rất nhiều lỗ hổng trong quản lý, đặc biệt là việc định giá các tài sản công, trong đó có đất đai, quyền sử dụng đất.

Thông thường, đất đai được định giá rất rẻ và đằng sau đó có thể có sự móc ngoặc, ăn chia, giành phần cho các doanh nghiệp thân hữu hay doanh nghiệp sân nhà. Chính điều đó dẫn đến tình trạng thất thoát lớn tài sản công của Nhà nước nên ngay từ những năm 2009-2010 đã có ý kiến phải xem xét lại cẩn trọng các dự án đổi đất lấy hạ tầng trên các diễn đàn khác nhau.

Các ý kiến cũng yêu cầu phải thực hiện dự án thông qua đấu thầu nhưng nhiều nơi cứ viện lý do nọ. lý do kia để chỉ định thầu. Đã xuất hiện quá nhiều vấn đề, gây phương hại đến tài sản quốc gia và gây nên những hậu quả không tốt đến tình hình quản lý kinh tế và quản lý xã hội như tham nhũng, cậy thế cậy quyền.

Tuy nhiên, tại Hà Nội trong những năm đó vẫn triển khai hình thức nói trên, thậm chí mở rộng ra và đến bây giờ mới có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong đó có việc xem xét dừng các dự án đổi đất lấy hạ tầng.

"Như vậy, trong trường hợp của Hà Nội, dù đó là các dự án được nghiên cứu từ những năm 2009-2015 và được đồng ý về chủ trương, dù Hà Nội khẳng định các dự án BT này được thực hiện theo đúng quy trình, đất được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất thì như tôi đã nói, tất cả những dự án chưa có chữ ký chính thức dứt khoát phải dừng.

Dự án nào đã có chữ ký từ năm trước nhưng chưa có động thái triển khai hoặc triển khai không phù hợp thì cũng phải xem xét lại.

Khi xem xét lại tức là xem có thể tiếp tục ký các văn bản đổi đất lấy hạ tầng nữa hay không hay là dừng hẳn. Ngoài ra, xem xét để điều chỉnh những điều kiện, vấn đề liên quan cho hợp lý, đặc biệt là việc định giá đất đai, hạ tầng.

Theo tôi, cơ quan chức năng cần có văn bản nói rõ hơn những điều này", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia tái khẳng định quan điểm, đất đai là tài sản công, vì thế việc quản lý tài sản công phải được thực hiện theo quy chế mới, công khai, minh bạch và thực hiện đấu thầu tất cả các công việc.

"Đã có luật thì phải thực hiện, luật yêu cầu dừng đổi đất lấy hạ tầng thì bắt buộc phải dừng. Còn nếu cần thiết, nếu cơ chế cho phép đổi đất lấy hạ tầng khi nhu cầu quá cấp bách mà địa phương không có vốn thì khi ấy vẫn có thể được.

Tuy nhiên, việc định giá đất phải công khai, minh bạch, phải có đấu thầu và sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp đấu thầu. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, giám sát một cách sòng phẳng", ông Thịnh nhấn mạnh.

Dù vậy, ông cũng nói thêm rằng, khi luật đã không cho thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT thì Nhà nước cũng cần tham gia tìm kiếm các giải pháp khác cùng với địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như đời sống của người dân.

Thành Luân

Tin bài khác
Vì sao Việt Nam cần phải phát triển thị trường chứng khoán xanh?

Vì sao Việt Nam cần phải phát triển thị trường chứng khoán xanh?

Tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp bền vững cho phát triển kinh tế.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương - kỳ vọng mới

Quy hoạch tỉnh Bình Dương - kỳ vọng mới

Chiều 19/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển lãm điện, năng lượng.
TP.HCM: 200 doanh nghiệp FDI đối thoại đề xuất cách vận hành thông minh nhất

TP.HCM: 200 doanh nghiệp FDI đối thoại đề xuất cách vận hành thông minh nhất

Nhằm taọ điều kiện kinh doanh một cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), UBND TP.HCM và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức cuộc đối thoại cho 200 doanh nghiệp FDI và các lãnh đạo khu vực phía Nam.
Nghệ An ghi nhận những đóng góp của BAC A BANK đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Nghệ An ghi nhận những đóng góp của BAC A BANK đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Bắc Á (17/9/1994-17/9/2024), ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An biểu dương và ghi nhận những đóng góp của BAC A BANK đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Quảng Ninh dành 1.000 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để khắc phục hậu quả bão số 3

Quảng Ninh dành 1.000 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để khắc phục hậu quả bão số 3

BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị lần thứ 55 để cho ý kiến, chủ trương về một số nội dung trình kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh khóa XIV; trong đó thống nhất chủ trương dành 1.000 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để khắc phục hậụ quả bão
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son