![]() Từ khi nhậm chức ngày 20/01/25, Tổng thống Donald Trump liên tục có những động thái ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình thương mại giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác. |
![]() |
Dự báo cuộc chiến thương mại toàn cầu trong năm 2025: Bối cảnh, diễn biến và ảnh hưởng đến Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại |
Ở bài viết trước, có thể thấy các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng từ sắc lệnh hành pháp áp đặt thuế quan do Tổng thống Donald Trump ký ban hành đã nhanh chóng có động thái để đối phó với Hoa Kỳ, nhưng đó chưa phải là kết thúc.
Vào ngày 10/02/2025 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành các văn kiện nâng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới lên mức 25%, cùng với đó là hủy bỏ hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu thép từng được Mỹ áp dụng với các nhà cung cấp lớn đến từ Canada, Mexico, Brazil và nhiều quốc gia khác.
Điều này dẫn đến phản ứng của nhiều quốc gia, bao gồm cả chính những quốc gia đang chịu ảnh hưởng từ sắc lệnh mới (Mexico, Canada và Trung Quốc) và những đối tác xuất khẩu nhôm và thép lớn của Mỹ, trong đó có Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, vào thứ Ba vừa qua, một quan chức tại Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump có ý định áp dụng mức thuế chung 25% này đồng thời với mức thuế quan trước đó đã áp lên Canada và Mexico, đồng nghĩa với việc mức thuế quan lên sắt thép nhập khẩu từ hai quốc gia này sẽ là 50% vào tháng Ba tới, nếu hai nước này không sớm đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định mức thuế quan trên là “không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard cũng cho rằng mức thuế quan trên là “không phù hợp” và “không công bằng”. Tuy nhiên ông không cho biết liệu Mexico có áp dụng biện pháp tương tự đối với nhôm và sắt thép nhập khẩu từ Mỹ hay không.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về quyết định của Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng áp đặt thuế quan như vậy là không tốt cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Trong thập kỷ vừa qua, xuất khẩu thép từ EU sang Hoa Kỳ trung bình đặt 3,1 tỷ Euro (tương đương khoảng 3,1 tỷ đô-la Mỹ) mỗi năm, với quốc gia có mức xuất khẩu cao nhất trong Liên minh là Đức. Trong một phát biểu gần đây, bà cho biết: “Chúng tôi sẽ không im lặng trước những mức thuế phi lý áp đặt lên EU - Những mức thuế này sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó và đáp trả tương xứng”.
Cụ thể, một trong những biện pháp phía EU đang cân nhắc thực hiện là tiến hành tái áp dụng các loại thuế quan đã được đưa ra vào năm 2018, trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump. Trước đó, những biện pháp này đã được dỡ bỏ bằng một thỏa thuận giữa EU và Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại EU (AmCham EU), đại diện cho các công ty của Hoa Kỳ tại châu Âu, cũng chỉ trích việc áp đặt thuế quan này sẽ gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sự thịnh vượng và an ninh của cả Hoa Kỳ và châu Âu.
Trong một tuyên bố gần nhất, Hiệp hội này cho biết: “Thiệt hại sẽ không chỉ dừng lại ở trong phạm vi ngành sắt thép và nhôm, nó sẽ còn ảnh hưởng đến tất cả những doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các mặt hàng này”.
Ở một diễn biến khác, các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á cũng đang nhanh chóng đưa ra các phương án để ứng phó.
Hàn Quốc đang tìm kiếm phương án để đàm phán với Hoa Kỳ sau khi Trump tuyên bố áp đặt mức thuế quan mới. Cụ thể, quyền Tổng thống Choi Sang-mok đã thông báo rằng chính quyền của ông sẽ tìm các phương án để đàm phán với Hoa Kỳ về việc áp đặt mức thuế 25% lên sắt thép và nhôm nhập khẩu. Ông Choi cho biết giám đốc điều hành của 20 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc dự kiến sẽ đến thăm Mỹ trong thời gian sớm nhất, trong khi đó chính phủ Hàn Quốc sẽ thảo luận các biện pháp ứng phó cùng với Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
“Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng thực hiện “những nỗ lực cao nhất” để gắn kết với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ đó bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Choi bày tỏ. Theo dữ liệu từ Viện Sắt thép Hoa Kỳ, Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 4 sang quốc gia này chỉ sau Canada, Mexico và Brazil.
Về phía Nhật Bản, Chánh Văn phòng Nội các Hayashi Yoshimasa thông báo “Chúng tôi đã đề nghị chính phủ Mỹ miễn trừ thực hiện các nghĩa vụ thuế quan đó cho Nhật Bản”, đồng thời cùng tiết lộ việc đề nghị được thực hiện thông qua các kênh ngoại giao nhờ Đại sứ quán Nhật Bản tại Hoa Kỳ. Theo dữ liệu từ Viện Sắt thép Hoa Kỳ, Nhật Bản là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 6 sang quốc gia này, sau Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Việt Nam.
![]() |
Các nước đứng đầu về khối lượng sắt thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ (Nguồn: Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, số liệu từ Viện Sắt thép Hoa Kỳ). |
Những người đứng đầu các doanh nghiệp phụ thuộc vào thép và nhôm nhập khẩu tại quốc gia này đang trải qua quá trình khủng hoảng nhằm tìm kiếm phương án bù đắp chi phí trước động thái của Tổng thống Donald Trump. Từ các doanh nghiệp lớn xuyên quốc gia như Coca-Cola, Ford cho đến các công ty về nhôm, hàng không và điện dân dụng vừa và nhỏ đều chịu ảnh hưởng từ sự việc này. Giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley, đã bày tỏ quan điểm rằng việc này đã làm tăng thêm “rất nhiều chi phí và sự hỗn loạn” cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu từ ngân hàng đầu tư Benchmark Co, những người dân Mỹ sẽ phải trả thêm hàng nghìn đô-la cho mỗi chiếc xe khi các văn kiện về thuế quan của Tổng thống Trump có hiệu lực. Chuyên gia phân tích Cody Acree ước tính rằng nếu mức thuế quan 25% áp lên các loại xe và phụ tùng nhập khẩu từ Mexico và Canada, mức giá trung bình cho mỗi chiếc xe bán ra sẽ tăng thêm 5.790 đô-la Mỹ, nâng giá trị trung bình của một chiếc xe ô tô lên 54.500 đô-la, tăng gần 12% so với năm 2024.
Liên minh các Nhà sản xuất và Người sử dụng Kim loại tại Hoa Kỳ (CAMMU) bày tỏ rằng việc không đưa ra các trường hợp ngoại lệ phù hợp sẽ gân ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại quốc gia này, do họ phải đối mặt với việc chi trả nhiều hơn cho nguyên liệu đầu vào.
“Các khách hàng nước ngoài đang dần dịch chuyển các doanh nghiệp Hoa Kỳ ra khỏi chuỗi cung ứng của họ. Một khi họ đã hoàn thành việc đó, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ cực kỳ khó khăn để tạo dựng lại những gì đã mất”, Liên minh cho biết.
Theo Viện nghiên cứu Sắt và Thép tại Hoa Kỳ, thép nhập khẩu chiếm khoảng 23% sản lượng thép tiêu thụ tại Hoa Kỳ trong năm 2023 với Canada, Brazil và Mexico là những nhà cung cấp lớn nhất. Riêng trong năm 2024, sản lượng nhôm nguyên chất nhập khẩu vào Mỹ đến từ Canada chiếm gần 80% tổng sản lượng nhôm nguyên chất nhập khẩu.
Căng thẳng thương mại trở nên gay gắt trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ và toàn cầu đang quay trở lại mức trước đại dịch. Một số nhà kinh tế học cảnh báo rằng việc áp đặt thuế quan này sẽ khiến cho người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn cho hàng hóa, từ đó đẩy mạnh lạm phát.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ sớm áp đặt thuế quan đối ứng lên tất cả các quốc gia đánh thuế lên hàng hóa của Hoa Kỳ vào tối ngày 12/02/2025 theo giờ địa phương.
Tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Trump đã lên tiếng cho rằng Ấn Độ đã áp đặt thuế quan quá cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Thuế quan đối ứng là thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác và trong trường hợp này, chính quyền ông Trump sẽ tăng thuế lên các mặt hàng nhập khẩu sao cho phù hợp với mức thuế quan mà các quốc gia khác đã đánh lên hàng hóa của Mỹ tại nước họ. Nếu chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế suất trung bình đối với tất cả sản phẩm, các quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan - nơi đánh thuế nhập khẩu ở mức trung bình cao hơn Mỹ - có thể bị ảnh hưởng.