Đó là thông báo mới nhất sau khi ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai làm việc với Sở Công Thương TP.HCM về phương án điều tiết hàng hóa nông sản, thực phẩm từ Đồng Nai vào TP.HCM.
Sau khi ghi nhận 9 ca dương tính Covid-19 mới đêm 5/7 tại Đồng Nai, có 2 tiểu thương tại TP.Biên Hòa lấy hàng từ TPHCM về buôn bán tại chợ đầu mối Tân Biên, TP.Biên Hòa và một chợ khác tại phường Thống Nhất, ngay trong đêm, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã phong tỏa tạm thời chợ đầu mối Tân Biên, tiến hành lấy mẫu test nhanh xét nghiệm cho toàn bộ tiểu thương trong chợ. Kết quả, 365 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2.
Ông Lộc chia sẻ thêm, trong giai đoạn các chợ đầu mối ở TP.HCM tạm thời đóng cửa, tiểu thương các chợ trên địa bàn tỉnh có thể lựa chọn phương án lấy nguồn hàng hóa, nông sản từ các chợ đầu mối, chợ lớn ở trong tỉnh.
Cùng quan điểm ổn định đầu ra cũng như đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện lượng heo cung cấp cho TP.HCM có giảm so với trước do nhiều chợ đầu mối lớn ở TP.HCM tạm ngưng hoạt động, nhưng hoạt động mua bán heo hơi từ Đồng Nai vào thị trường TP.HCM vẫn diễn ra bình thường vì các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ có chuỗi liên kết trong phân phối tăng cường đẩy mạnh nguồn cung vào thị trường này.
Ông Đào Văn Cường, đại diện Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa) cho biết, nguồn heo của công ty khá dồi dào, các kênh phân phối của công ty khá ổn định, nhất là đối với mảng cung ứng vào các hệ thống siêu thị, trong đó có nhiều siêu thị, đơn vị ở Đồng Nai. Công ty sẽ có kế hoạch điều tiết lượng cung ứng cho thị trường một cách phù hợp khi có biến động xảy ra.
Chợ đầu mối vẫn hoạt động ổn định
Ông Hoàng Văn Đức, đại diện Ban quản lý chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ, sau khi tạm phong tỏa để phun khử khuẩn, truy vết các ca F1, F2 và có kết quả xét nghiệm nhanh đối với tiểu thương, người mua bán hàng, tài xế trong chợ đều âm tính với SARS-CoV-2, từ sáng 6-7, chợ Tân Biên đã hoạt động bình thường trở lại.
Chợ tăng cường kiểm soát chặt người ra vào chợ, yêu cầu tài xế và tiểu thương phải tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, đặc biệt là những tài xế, tiểu thương có liên quan đến các địa phương, khu vực đang có dịch cần xuất trình giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nếu muốn vào chợ…
Nguồn nông sản đưa về chợ chủ yếu đến từ các địa phương trong tỉnh và tỉnh Lâm Đồng… sau đó được cung ứng đến các chợ ở TP. Biên Hòa và một số vùng lân cận ở H. Long Thành, H. Vĩnh Cửu… Những ngày gần đây, nhiều chợ đầu mối ở TP.HCM tạm thời đóng cửa, trong đó có chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Điều này khiến lượng rau, củ, quả từ Lâm Đồng đưa về tập trung ở chợ bắt đầu có xu hướng tăng lên.
Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) chia sẻ, hiện nay chợ vẫn hoạt động khá ổn định. Lượng hàng hóa tiêu thụ tại chợ hiện giảm 20-25% so với thời điểm giữa tháng 6-2021 do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nguồn nông sản đưa về chợ vẫn được đảm bảo, chủ yếu đến từ các địa phương trong tỉnh và tỉnh Lâm Đồng… nên nguồn hàng từ các chợ đầu mối của TP.HCM tác động không đáng kể.
Chợ sẽ tiếp tục tăng cường các phương án phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo các biện pháp 5K, đặc biệt, chợ cũng đã phối hợp với địa phương lập chốt kiểm dịch ngay trước cổng chợ để rà soát, khai báo y tế, phun xịt khử khuẩn các phương tiện từ địa phương khác trước khi vào chợ.
Các siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, hàng tại siêu thị hiện vẫn dồi dào, đầy đủ, giá cả ổn định.
Siêu thị còn tăng cường kết nối các loại nông sản địa phương vào siêu thị. Trong đó, hệ thống Co.opmart đang triển khai, đẩy mạnh tiêu thụ nhiều loại trái cây địa phương, trong đó có chôm chôm Long Khánh tại các siêu thị trong hệ thống.
Theo ông Mai Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết: Hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu ở các xã đang trong giai đoạn cách ly y tế của huyện được đảm bảo khá dồi dào với giá cả ổn định. Địa phương chủ động cho các cửa hàng tạp hóa, tiểu thương tại địa bàn đăng ký nguồn hàng cung ứng tại chỗ. Các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đăng ký và được địa phương cấp giấy phép sẽ được triển khai cung ứng, bán hàng lưu động, tránh tình trạng tập trung đông người…
Đối với các loại nông sản đang vào vụ thu hoạch như rau xanh, chôm chôm…, huyện cho phép các loại phương tiện cơ giới đi vào để vận chuyển nông sản thu hoạch đi tiêu thụ nhưng cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tài xế các phương tiện này phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo quy định của tỉnh; đồng thời, phải tiến hành khử trùng phương tiện, hạn chế tập trung đông người...
Tiến Sang (tổng hợp)