Dồn toàn lực cho dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm

22:08 03/01/2022

Năm 2022 sẽ ghi dấu ấn tuyệt vời không chỉ trên phương diện kinh doanh - sản xuất mà còn dự kiến hoàn thiện hàng loạt dự án huyết mạch của đất nước.

Hai đầu tàu kinh tế của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dốc toàn lực hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm
Hai đầu tàu kinh tế của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dốc toàn lực hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. 

Hà Nội khởi động vành đai 4

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo Tuyên bố chung VN - Pháp, phần 8,5 km trên cao dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (giai đoạn 1) từ depot Nhổn đến ga S8 Trường ĐH GTVT Hà Nội, sẽ được đưa vào khai thác vận hành cuối năm 2022, song song với hoàn thiện hơn 4 km ngầm. “Đây là pháp lệnh về tiến độ, các lực lượng tham gia phải huy động tối đa để thực hiện. Tiến độ này cũng đã chậm hơn so với kế hoạch trước đây, nên không thể chậm hơn nữa”, ông Tuấn nói và cho biết hiện vẫn còn vướng một số đoạn tuyến ở khu depot, phần cơ điện...

Ngoài ra, năm 2022, Hà Nội cũng dự kiến hoàn thành dự án đường vành đai 2 Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy, dự án hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến... Tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội cuối tháng 12, Chủ tịch TP Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội sẽ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 đường sắt đô thị tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai). Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc); thẩm định trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội.

Ở đầu TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), cho biết, đơn vị này đang cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và sẽ hoàn thành 10 gói thầu, dự án trước Tết Nguyên đán 2022. Ban Giao thông cũng đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư cho loạt dự án trọng điểm để khởi công ngay trong năm 2022. Trong đó, nhóm dự án tháo gỡ ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư lớn nhất và nhận nhiều sự quan tâm của người dân TP. Mới đây, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt báo cáo xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) bằng nguồn vốn ngân sách TP. Với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng, đây là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2023 nhằm phục vụ cho việc kết nối giao thông của Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay và các khu vực lân cận. Cũng trong nhóm dự án này, Ban Giao thông dự kiến khởi công thêm 2 dự án khác gồm mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và dự án cải tạo đường Cộng Hòa. Các công trình này khi hoàn thành không chỉ đồng bộ kết nối với Nhà ga T3 mà còn góp phần giảm ùn tắc rất lớn khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất - một trong những điểm đen giao thông của TP.HCM nhiều năm qua.

Nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) cũng là một trong những công trình được trông đợi nhất trong năm 2022, bởi đây là nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, nhưng thường xuyên ùn tắc, nhất là vào dịp cuối tuần và lễ tết. Ngoài ra, dự án mở rộng QL50 cũng được TP bố trí 120 tỉ đồng để triển khai trong năm 2022. Khi hoàn thành vào năm 2024, tuyến đường sẽ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, giải quyết áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam TP.HCM. Hay đối với dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, TP.HCM đã bố trí 1.000 tỉ đồng để khởi công dự án trong năm 2022 nhằm thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện. Đồng thời, hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối TP.HCM đi miền Tây và miền Đông Nam bộ, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.

“Đây đều là những dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với bộ mặt đô thị TP.HCM. Sau khi hoàn thành, chắc chắn những công trình này sẽ tạo nên sự thay đổi rất lớn về giao thông của TP, góp phần thúc đẩy kinh tế hồi phục sau đại dịch”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bài toán vốn vẫn khó

Tập trung thúc đẩy hạ tầng, TP.HCM đã chủ trương dùng ngân sách TP hỗ trợ phần khó nhằn nhất là giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát nghiêm trọng, ngân sách đổ vào hàng loạt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội khiến túi tiền của TP.HCM đã cạn kiệt, không còn đủ nguồn lực để cân đối vốn cho các dự án này theo đúng kế hoạch.

Theo ông Lương Minh Phúc, trong cơ cấu đề án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông TP từ nay đến năm 2030, TP.HCM cần 960.000 tỉ đồng cho 10 năm để phát triển hạ tầng giao thông đúng như mong muốn. Nhưng vốn trung hạn của TP chỉ có 142.000 tỉ đồng, quá thấp so với nhu cầu. Trong đó, cấu phần cho giao thông là khoảng 33.000 tỉ đồng. Nếu so với giai đoạn 5 năm vừa rồi, tỷ lệ thấp hơn, từ 35% xuống còn khoảng 28%. Trước mắt, khoản phân bổ vốn hiện nay chỉ đủ cho những dự án chuyển tiếp, những dự án giải phóng mặt bằng, còn khởi công mới và những bước chuẩn bị tiếp theo cần tiếp tục được phân bổ. Hiện nay TP đang kiến nghị T.Ư tiếp tục bổ sung nguồn vốn khoảng 119.000 tỉ đồng tương ứng với khả năng thu ngân sách của TP. Đồng thời, Ban Giao thông đang đề xuất nâng tỷ lệ vốn ngân sách dành cho giao thông phải từ 40% trở lên, bởi khi có đột phá về giao thông thì chắc chắn sẽ tạo ra đột phá về phát triển kinh tế.

“Bên cạnh đó, cần huy động tối đa nguồn lực xã hội. Dự kiến, 50% nguồn vốn cho giao thông sẽ phải dựa vào xã hội hóa. Có một điểm mới là trong trung hạn kỳ này, TP.HCM bố trí khoảng 400 tỉ đồng để chuẩn bị đầu tư cho tất cả các dự án PPP lớn, làm tiền đề kêu gọi xã hội hóa trong giai đoạn sắp tới. Đây là tín hiệu cụ thể thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong việc có những chính sách đột phá nhằm kêu gọi xã hội hóa vào các dự án hạ tầng, giao thông”, ông Phúc nói.

Lâm Nghi