Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quỹ cho vay không tài sản thế chấp thiếu thực tế Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại bất ngờ với doanh nghiệp tư nhân |
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhỏ, startup và doanh nghiệp công nghệ cao “khát” mặt bằng sản xuất, thì Nghị quyết 198/2025/QH15 được Quốc hội thông qua đã mở ra một cánh cửa mới. Với hàng loạt cơ chế đặc biệt, nghị quyết cho phép sử dụng ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng và trích quỹ đất để hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại với mức giá ưu đãi, tạo tiền đề để kinh tế tư nhân bứt phá sau giai đoạn đầy biến động.
Điểm nhấn của nghị quyết là cho phép các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ được hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng, từ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đến hệ thống giao thông, điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông… Đây là phần việc từng đè nặng chi phí lên vai các chủ đầu tư, dẫn đến việc “ngại” dành đất cho doanh nghiệp nhỏ, công nghệ non trẻ có nhu cầu thuê diện tích vừa và nhỏ.
Giờ đây, chủ đầu tư sẽ được hoàn lại chi phí đầu tư hạ tầng nếu dành diện tích đất đã đầu tư để cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Quan trọng hơn, phần đất này sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định về tài sản công, giúp cơ chế vận hành linh hoạt, phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường.
![]() |
Doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao được ưu tiên tiếp cận đất sản xuất |
Không chỉ mở rộng quỹ đất, Nghị quyết 198 còn quy định rõ: Các doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên sẽ được giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong 5 năm đầu – một ưu đãi chưa từng có với các doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp tỉnh được giao quyền quyết định diện tích đất hỗ trợ, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, cũng như mức giảm giá thuê cụ thể, phù hợp với thực tiễn phát triển địa phương. Điều này không chỉ thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ trong cải cách thể chế, mà còn tạo điều kiện để mỗi tỉnh thành có thể thiết kế chính sách phù hợp đặc thù, thu hút đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn.
Ngoài ra, với các khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới được thành lập sau khi nghị quyết có hiệu lực, ít nhất 20 ha hoặc 5% tổng diện tích đất phải được dành riêng cho các doanh nghiệp ưu tiên thuê. Nếu sau 2 năm khu đất này không được doanh nghiệp công nghệ cao hoặc startup sử dụng, chủ đầu tư có quyền cho doanh nghiệp khác thuê lại. Đây là bước thiết kế cơ chế thông minh, tránh lãng phí tài nguyên, vừa đảm bảo mục tiêu ưu tiên, vừa không tạo ra tình trạng "đất chờ người" kéo dài.
Đặc biệt, Nghị quyết 198 còn cho phép cho thuê tài sản công chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả như nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, để làm mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ sẽ quy định đối tượng, còn UBND tỉnh lo phần danh mục, tiêu chí và quy trình minh bạch. Thông tin tài sản công cho thuê phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đồng thời ngăn ngừa tiêu cực, lợi ích nhóm
Thực tế nhiều năm qua, mặt bằng sản xuất là nút thắt lớn nhất khiến doanh nghiệp nhỏ, startup công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chậm phát triển. Mặc dù Việt Nam có hàng trăm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhưng phần lớn diện tích lại nằm trong tay các doanh nghiệp lớn hoặc dành cho sản xuất truyền thống, còn các doanh nghiệp công nghệ thường phải thuê lại với giá rất cao, không phù hợp năng lực tài chính và quy mô hoạt động linh hoạt của họ.
Việc Nghị quyết 198 yêu cầu dành quỹ đất nhất định cho các doanh nghiệp tư nhân, nhỏ và công nghệ cao không chỉ là hỗ trợ, mà còn là một bước đi mang tính kiến tạo thị trường. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển dịch nhanh sang mô hình đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nếu không tạo điều kiện từ nền tảng như đất đai, hạ tầng, thì sẽ rất khó có “kỳ lân công nghệ” Made in Vietnam.
Với hơn 850.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất có thể xem là một liều thuốc kích thích quan trọng, giúp doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn tăng tốc trong kỷ nguyên kinh tế số.