Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương ổn định thị trường vàng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá phát triển kinh tế |
Trong phiên thảo luận tổ về Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có những phát biểu thẳng thắn và sâu sắc liên quan đến hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là việc lập Quỹ phát triển DNNVV có chức năng cho vay khởi nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, việc thiết lập một quỹ để cho vay mà không có tài sản thế chấp là “thất bại ngay từ khâu thiết kế”. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, ngay cả các ngân hàng thương mại – vốn có kinh nghiệm, hệ thống kiểm soát rủi ro chặt chẽ – vẫn gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ dù có tài sản đảm bảo. Vậy thì “làm gì có cơ chế nào để thu tiền khi không có tài sản thế chấp?”, ông đặt câu hỏi.
Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, với chức năng cho vay như hiện tại, quỹ phát triển DNNVV khó lòng bảo toàn vốn, thậm chí dễ trở thành “quỹ mất tiền” nếu không thiết kế lại từ gốc.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. |
Thay vì tập trung vào cho vay, Phó Thủ tướng đề xuất nên chuyển hướng hoạt động của quỹ sang hỗ trợ doanh nghiệp theo cách thiết thực hơn. Ví dụ như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, tư vấn quản trị, kết nối đầu tư hay thu hút công nghệ cao.
Nguồn vốn quỹ cũng cần đa dạng hơn, hình thành từ sự đóng góp của nhiều nguồn: ngân sách nhà nước, viện trợ, đóng góp tư nhân và doanh nghiệp lớn. Đồng thời, các khoản chi cần rõ ràng, minh bạch và quyết toán đúng quy định tài chính công.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế tư nhân, cần có quyết sách đúng đắn và cơ chế thông thoáng. Ông lấy ví dụ từ các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản – những nền kinh tế từng gặp nhiều khó khăn như Việt Nam nhưng đã thành công nhờ chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân bài bản, bền vững.
Từ những tập đoàn lớn như Samsung, Lotte ở Hàn Quốc đến mạng lưới doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản, tất cả đều phát triển nhờ cơ chế hỗ trợ có trọng tâm, thay vì dàn trải nguồn lực vào cho vay thiếu kiểm soát.
Bên cạnh vấn đề về quỹ cho vay, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cảnh báo về một điểm trong quy định liên quan đến thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp – đó là “kiểm tra không quá một lần/năm”.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, quy định cứng nhắc như vậy có thể dẫn đến việc các cơ quan thanh tra, kiểm tra không phát hiện kịp thời những vi phạm quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, môi trường...
Thay vì giới hạn tuyệt đối, ông đề xuất phân loại lĩnh vực: những ngành nghề có rủi ro cao cần kiểm tra định kỳ, còn lại có thể áp dụng cơ chế hậu kiểm hoặc kiểm tra xác suất, giảm phiền hà nhưng vẫn đảm bảo giám sát hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng phản biện quy định “miễn kiểm tra thực tế” với doanh nghiệp được đánh giá tuân thủ tốt pháp luật. Cũng theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, nếu không kiểm tra thì không thể xác minh việc tuân thủ là thật hay chỉ trên giấy tờ.
Do đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể và cơ chế đánh giá thực tế dựa trên tiêu chí rõ ràng. “Không thể chỉ nhìn hồ sơ rồi kết luận là doanh nghiệp tốt”, ông nói, đồng thời yêu cầu đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thanh kiểm tra để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Tổng kết các góp ý, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định: Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo – ban hành chính sách rõ ràng, hiệu quả, còn các thành phần kinh tế tư nhân, nhà nước, hay có vốn đầu tư nước ngoài phải bình đẳng khi tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thêm, chính sách chỉ phát huy hiệu quả nếu được thiết kế phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao và đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm phục vụ.
Thông điệp lớn nhất mà Phó Thủ tướng đưa ra là: cần “thực chất hóa” chính sách thay vì chạy theo hình thức. Dù là lập quỹ, hỗ trợ doanh nghiệp, hay kiểm tra thanh tra, tất cả phải xoay quanh nguyên tắc hiệu quả, công bằng, minh bạch – đó mới là nền tảng để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào tăng trưởng bền vững của đất nước.