Ngay tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ngày 18/5, một cuộc đối thoại đầy cảm xúc và bất ngờ đã diễn ra giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và cộng đồng doanh nhân. Không nằm trong kịch bản chương trình, cuộc trao đổi này là điểm nhấn đặc biệt, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và đồng hành của người đứng đầu Chính phủ với lực lượng doanh nghiệp tư nhân – “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”.
Nghị quyết 68 – Cơn mưa rào giữa hạn hán niềm tin
![]() |
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền. Ảnh Nhật Bắc |
Tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco – là người đầu tiên phát biểu. Trước toàn thể hội nghị, ông ví Nghị quyết 68 như “cơn mưa rào giữa lúc hạn hán”, bởi sau nhiều năm hoạt động với biết bao trăn trở, các doanh nghiệp tư nhân giờ đây mới thực sự cảm nhận được ánh sáng chính sách rõ ràng và quyết liệt từ Đảng và Nhà nước.
“Nghị quyết lần này là cuộc cách mạng toàn diện trong việc giải phóng lực lượng sản xuất. Nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân muốn cống hiến nhưng luôn bị trói buộc bởi rào cản thể chế, quy trình hành chính, sự dè dặt trong tiếp cận nguồn lực”, ông Tiền chia sẻ.
Tuy đánh giá cao Nghị quyết 68, ông Tiền cũng thẳng thắn kiến nghị việc cần có cơ quan độc lập giám sát quá trình triển khai nghị quyết này. Theo ông, phải có cơ chế đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, mức độ tuân thủ và hiệu quả thực thi của các bộ ngành và địa phương. Ông đề xuất giao trách nhiệm này cho VCCI, với vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với tinh thần này. Thủ tướng khẳng định, Nghị quyết 68, Nghị quyết 198 của Quốc hội và kế hoạch hành động của Chính phủ đều đã phân công nhiệm vụ rõ ràng. Việc thực thi sẽ được rà soát thường xuyên, kế thừa những điểm tốt từ các nghị quyết trước, đồng thời khắc phục những điểm nghẽn về thể chế, nguồn lực và quản lý.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: “Đã cam kết là phải thực hiện. Đã làm là phải có sản phẩm, có kết quả cụ thể, đo đếm được. Từ Chính phủ đến doanh nghiệp, ai cũng phải chịu trách nhiệm đến cùng”.
Chuyển đổi số và pháp lý số: Cách mạng về thể chế cho doanh nghiệp
![]() |
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh Nhật Bắc |
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – đặt câu hỏi về việc số hóa hệ thống pháp luật, giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu quy định, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ pháp lý. Đây là một trong những rào cản vô hình nhưng bền bỉ, khiến hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy "lạc lõng" trong môi trường pháp lý.
Trả lời câu hỏi, Thủ tướng cho biết ông đã giao Bộ Tư pháp xây dựng “cổng pháp lý số quốc gia”. Qua đó, doanh nhân không chỉ tra cứu mà còn có thể trực tiếp góp ý xây dựng pháp luật. Việc này sẽ giảm gánh nặng thủ tục hành chính, đồng thời tăng tính minh bạch, tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề “nóng” được nêu ra là khó khăn trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch Tập đoàn Lan Hưng – cho biết, hiện nay nhiều khu công nghiệp yêu cầu tối thiểu 1ha để cho thuê, trong khi doanh nghiệp nhỏ chỉ cần vài ngàn mét vuông đã có thể giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
“Muốn thuê 1ha đất, doanh nghiệp phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng – điều không tưởng với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ”, ông Toàn nói và đề xuất các địa phương cần quy hoạch những khu công nghiệp quy mô nhỏ từ 2.000 - 5.000m², giúp hộ kinh doanh có cơ hội mở rộng sản xuất hợp pháp, minh bạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thuận và nhấn mạnh, Nghị quyết 68 đã chỉ rõ: mỗi địa phương phải bố trí tối thiểu 5% quỹ đất công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, cần phát triển mô hình cụm công nghiệp linh hoạt, vừa tầm với quy mô doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu về môi trường, hạ tầng.
Một điểm nhấn khác trong Nghị quyết 68 là định hướng đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó đặc biệt ưu tiên tín dụng thương mại cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là nhóm nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể về chính sách đất đai và cơ chế tài chính, trong khi Ngân hàng Nhà nước cũng đang chuẩn bị thông tư mới để đảm bảo dòng vốn đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
“Chủ trương đã rõ, giờ là lúc tổ chức thực hiện. Các bộ ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn, đồng hành cùng doanh nghiệp như một đối tác tin cậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuộc đối thoại bất ngờ giữa Thủ tướng và doanh nhân không chỉ khơi dậy kỳ vọng về một tương lai cởi mở hơn cho kinh tế tư nhân, mà còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Chính phủ không chỉ ban hành chính sách, mà còn cam kết đồng hành, lắng nghe và hành động.
Giới doanh nhân kỳ vọng Nghị quyết 68 không dừng lại ở tầm nhìn, mà sẽ thực sự trở thành kim chỉ nam để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ rào cản và xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng cho mọi doanh nghiệp.