Doanh nghiệp là nhân tố giúp kinh tế tuần hoàn Việt Nam có thể “cất cánh”

22:41 23/10/2020

Mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá là cần thiết cho Việt Nam nhưng phổ biến ở doanh nghiệp lớn, chưa len lỏi nhiều vào doanh nghiệp nhỏ. Để phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đỏi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội. Trong đó, doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cuộc cách mạng tái chế

Kinh tế tuần hoàn là sự cải biến trong từng khâu của quá trình sản xuất, từ nghiên cứu, thiết kế đến phát triển một sản phẩm có độ bền cao, có thể thay thế linh kiện và sửa chữa dễ dàng để sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm và tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất và vận hành. Ước tính, KTTH giúp thế giới có thể tiết kiệm 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, riêng châu Âu có thể tiết kiệm 600 tỷ EUR (khoảng 660 tỷ USD) mỗi năm. Tính đến cuối năm 2018, đã có 34 quốc gia trên thế giới có bước tiến đầu tiên về luật pháp và chính sách thúc đẩy KTTH.

Ở Việt Nam, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để thực hiện phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp.

Thông qua những phương thức sáng tạo, mô hình kinh tế tuần hoàn giúp tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên được sử dụng trong quá trình sản xuất và hoạt động, từ đó giảm thiểu tác động tới môi trường. Tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định Việt Nam sẽ thúc đẩy việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để sớm đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để ạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn.

Nhờ đó, gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam…

Riêng với cộng đồng từng doanh nghiệp đã định hướng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững, nhằm đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao uy tín thương hiệu. Tuy nhiên thực tế, những điển hình về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp hay được nhắc đến chủ yếu là các doanh nghiệp lớn.  Ví dụ như Unilever với chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn; Coca Cola với chương trình thu gom, phân loại chai nhựa. Đây cũng là hai đơn vị nòng cốt trong sáng kiến "Zero Waste to Nature" trong khuôn khổ dự án Trung tâm Kinh tế tuần hoàn (VCCE) chủ trì bởi VBCSD. Hay điển hình là sự ra đời Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vào năm 2019 với 13 DN tham gia xây dựng chuỗi tái chế, phân loại rác, cũng như làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có. Tham gia liên minh này, các đơn vị đẩy mạnh triển khai tuyên truyền về thay đổi thói quen sử dụng bao bì 1 lần. Trong đó, Saigon Co.op đã tiên phong loại bỏ ống hút nhựa trên quầy kệ từ năm 2019, còn Nestlé Việt Nam thì loại bỏ ống hút nhựa trên các sản phẩm sữa như Nestlé MILO Bữa sáng và sữa Nestlé Nesvita 5 loại Đậu. Công ty LaVie cũng cho biết đã ngưng sử dụng màng co nắp chai để giảm rác thải và chuyển màu chai sang trắng trong để đơn giản hóa quá trình tái chế...

Là một trong những đơn vị tiên phong trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam cho biết để góp phần phòng, chống biến đổi khí hậu, đơn vị đã chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ đó tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững. Riêng năm 2019, công ty thu mua 40.000 tấn vỏ trấu và các chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất, mang lại thu nhập 52,6 tỷ đồng cho người dân. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội; nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp, vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất.

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ đã giới thiệu thêm về mô hình kinh tế tuần hoàn mang tên RESOLVE (viết tắt của: REgenerate – Tái tạo; Share – Chia sẻ; Optimize – Tối ưu hóa; Loop – Tái sử dụng/ Tái chế; Virtualize – Số hóa và Exchange – Chuyển đổi). Đại diện HEINEKEN Việt Nam cũng chia sẻ những ví dụ cụ thể của DN trong việc áp dụng mô hình này và tạo ra những giá trị bền vững cho môi trường cũng như các bên liên quan.

Hiện 5/6 nhà máy của HEINEKEN Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế phẩm/phụ phẩm nông nghiệp, DN đã hỗ trợ mang lại thu nhập lên tới 52,6 tỷ đồng cho người dân địa phương chỉ riêng trong năm 2019. Sáng kiến này là minh chứng cho việc kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế cho các DN địa phương.

"Các dự báo đã chỉ ra rằng đến năm 2050 thì lượng rác thải sẽ nhiều hơn lượng cá trên đại dương. Đây là những điều cần suy nghĩ không chỉ với doanh nghiệp mà mỗi cá nhân. Trong các cách thức đến hiện tại, dường như khả thi hàng đầu là giải quyết bằng kinh tế tuần hoàn", bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển Bền vững Heineken Việt Nam.

Theo các chuyên gia, thay vì phải đưa ra giải pháp mới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã thành công trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Động lực giúp kinh tế tuần hoàn phát triển

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, có 115 mục tiêu cụ thể được Chính phủ đưa vào “Chương trình hành động quốc gia” để thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển bền vững cho Việt Nam. Hiện tại, những mục tiêu trên đã được lồng ghép tất cả các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong kế hoạch 5 năm tới, dự kiến sẽ trình thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Cùng với những hoạt động thiết thực kể trên, theo giới chuyên gia, DN cần đầu tư không chỉ trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới thân thiện với môi trường, mà cần thay đổi quy trình, thiết bị sản xuất để hạn chế, giảm thiểu khí thải ra môi trường. Theo xu thế này - INSEE Việt Nam cho biết đã đầu tư hơn 30 triệu USD cho tiền xử lý và đồng xử lý chất thải, từ đó giúp giảm thiểu 25.000 tấn CO2/năm ra môi trường. Công ty cũng được đánh giá là đơn vị sản xuất xi măng có hệ số clinker thấp nhất trong ngành…

Ảnh minh họa. Nguồn: economy-ni.gov.uk

Ông Bruno Fux - Giám đốc Ecocycle - Phát triển Bền vững INSEE Việt Nam - chia sẻ rằng, để thúc đẩy quá trình xử lý chất thải rắn, DN này đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các chất thải nguy hại như dầu PCB, thuốc trừ sâu hoặc khí HCFC, đồng thời DN đang nghiên cứu hướng để phát triển năng lượng tái tạo một cách có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia những mô hình kể trên đã thực hiện trước giai đoạn Covid-19, còn ở hiện tại khi đại dịch vẫn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu thì việc thực hiện mô hình trên phải theo cách mới. Bà Phạm Chi Lan nhận xét, để vừa vực dậy DN lại vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trước hết DN phải tập trung hoàn thành trách nhiệm trong các chuỗi cung ứng và triển khai hiệu quả hơn.

Theo đó, DN phải nghĩ việc trở lại như là một sức mạnh mới và bền bỉ để đi xa hơn chứ không chỉ trong ngắn hạn. DN cần dựa vào công nghệ, khả năng về phân tích và toàn cầu hóa để linh hoạt trong kinh doanh. Cùng với đó là tham gia một cách tích cực trong việc chống lại tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt vai trò dẫn dắt của Chính phủ rất quan trọng, nhất là trong dịch bệnh như hiện nay - các đường lối, chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt từ Chính phủ sẽ giúp DN yên tâm hoạt động, từ đó tái đầu tư cho phát triển bền vững.

Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN xác định tính tuần hoàn là một chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế bền vững và đưa ra những khuyến nghị không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra mà còn thúc đẩy phát triển trong dài hạn.

Mặt khác, Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề chất thải mà cần tiếp cận thực hiện 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm, bao gồm: Sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải , biến chất thải trở lại thành tài nguyên. Toàn khối EU đã đưa ra kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn từ năm 2015 thay thế cho Đề xuất lập pháp về vấn đề chất thải – sự thay đổi về mặt triết lý. Tại Việt Nam, nắm bắt được xu hướng và tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn cho phát triển của doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được các Bộ, ngành và các doanh nghiệp triển khai. Tuy nhiên, để phát triển rộng khắp mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều thách thức.

Theo ông Chinh, hiện nay một số mô hình tái chế chất thải nhưng lại chính là nguồn phát sinh chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất chưa phải là một vòng đầy đủ của kinh tế tuần hoàn.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải có một hành lang pháp lý rõ rang; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng; phát triển KTTH cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương; tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường; cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0; cần thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên; và cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn.

Thu Giang